Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11: Lớp học đặc biệt tại Cơ sở cai nghiện số 7
Bước chân giữa Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội), một không gian yên bình, tĩnh lặng, bỗng vang lên tiếng thước gõ vào bảng đen, hàng chục 'học sinh' tóc đã bạc đồng thanh đánh vần, tập đọc tạo nên một âm thanh rất đặc biệt...
Học lớp 1 khi đã… tứ tuần
Sau nhịp gõ thước kẻ là văng vẳng tiếng đọc “ê...a” của những chất giọng khàn đặc. Âm thanh đó phát ra từ lớp học đặc biệt có tên “Lớp học xóa mù chữ năm 2023” của Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội. Từng gương mặt căng ra, những bàn tay run run trên trang giấy. Những đôi bàn tay uốn từng nét chữ, dấu móc, dấu ngoặc nên họ lóng ngóng như trẻ con tiểu học. Anh N.V.T (45 tuổi, trú ở quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong những học sinh tiêu biểu của lớp. Tiếp thu nhanh, thậm chí anh còn hỗ trợ và giúp các bạn cùng lớp hiểu bài.
Nghiện ma túy từ năm mới 16 tuổi, anh T kể: “Lúc nhỏ, vì ham chơi, không đi học nên tôi không biết chữ. Khi đến tuổi trưởng thành, tôi cũng không nhận thức rõ được về tác hại của ma túy nên theo bạn bè thử vài lần rồi nghiện từ lúc nào không biết”. Cho đến khi bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, những ngày đầu anh T day dứt, tự trách mình đã không làm chủ được bản thân nên phải đi cai nghiện ở cái tuổi tứ tuần. Anh tâm sự, trong những lúc bế tắc nhất thì may mắn vẫn đến với anh. Nhờ vào cơ sở này mà anh bỏ được ma túy để sau này có thể làm lại cuộc đời. May hơn nữa là anh đã tự tin hơn vì không ai còn gọi anh là “thằng mù chữ” nữa.
Khi ngồi trong lớp xóa mù, học những con chữ đầu tiên, anh T mới hiểu được sự háo hức của đứa trẻ khi chúng cũng ngồi ở lớp như anh. Đi qua gần nửa cuộc đời anh mới bắt đầu ghép vần, luyện viết, cộng trừ những phép toán đơn giản. “Cảm động lắm! Có thể với mọi người chẳng là gì, nhưng với người như tôi, được học chữ như thế này là cả bầu trời kiến thức. Bây giờ, tôi đã biết đọc, biết viết, biết ký tên mình mà không cần phải lăn tay và nhờ người khác đọc hộ như trước đây. Mong sau khi cai nghiện thành công, những con chữ này sẽ giúp tôi làm lại cuộc đời” - anh T xúc động vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.
Đem con chữ đến với người lầm lỗi
Theo chia sẻ của cô giáo Đặng Thị Ngọc Hương - nhân viên Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng, người đang đứng bục giảng của lớp học này, thì đây là lớp học có nhiều điều đặc biệt nhất: Học sinh đặc biệt, giáo trình đặc biệt, cách giảng dạy cũng đặc biệt.
Tiếp xúc với từng học viên, chúng tôi hiểu cái đặc biệt mà cô nói đến. Họ đều là những học sinh lớn tuổi, vào trung tâm trước hết là để cải tạo, để giáo dục. Việc học chữ và được biết chữ đối với họ như một điều bất ngờ, một “giấc mơ” mà có khi chưa bao giờ họ dám mơ. Tuổi của họ đã quá lớn so với cái tuổi lớp 1, lớp 2. Quần áo họ mặc trên người không phải là những bộ đồng phục như các trường học mà là những bộ quần áo màu xanh dành cho học viên trong cơ sở. “Sĩ số của lớp học xóa mù này gồm 16 học viên cai nghiện bắt buộc. Đa số họ là người dân tộc, lại nghiện nên việc giáo dục xóa mù chữ là rất khó khăn. Đặc biệt họ đều sử dụng ma túy lâu năm, hệ thần kinh ảnh hưởng nên dạy rất khó tiếp thu” - cô giáo Đặng Thị Ngọc Hương nhận xét.
Chính vì vậy, các giáo viên của lớp gần như chạy đua để học viên có thể đọc viết, tính toán. Vất vả và gian nan, nhưng họ vẫn không từ bỏ, nỗ lực từng giờ lên lớp để học viên của mình sớm “tốt nghiệp”. Niềm vui sau mỗi giờ lên lớp là thấy được các phạm nhân, biết đọc, biết viết. “Chỉ mong anh em học viên sau khi cai nghiện thành công có thể tái hòa nhập cộng đồng. Ít nhất họ có thể tự viết đơn xin việc, có thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và hỗ trợ kinh tế gia đình” - cô giáo Đặng Thị Ngọc Hương chia sẻ.
Vượt qua mặc cảm
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 7 cho biết, lớp học được khai giảng vào ngày 8-9-2023, giảng dạy theo chương trình xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đạo tạo. Với thời gian học 6 tháng, các học viên được học 600 tiết gồm các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội của lớp 1 - 2 - 3. Giáo viên trực tiếp giảng dạy là cán bộ Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7. Tham gia lớp học xóa mù chữ, học viên được trang bị đầy đủ đồ dùng học tập như sách giáo khoa, vở, bút, thước kẻ…
“Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Dạy xóa mù chữ cho những người bình thường đã khó, dạy cho những người đã từng một thời lầm lỗi do vướng vào tệ nạn ma túy lại càng khó hơn. Mặc dù vậy, Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 không chỉ là nơi chữa bệnh cho những người nghiện ma túy mà đã thực sự trở thành mái trường thứ hai đối với các học viên” - ông Nguyễn Văn Hải cho biết.
Nhiều học viên có tâm lý ngại do lớn tuổi rồi vẫn đi học, phần khác họ luôn mặc cảm, tự ti với chính mình, tuy nhiên với tình yêu nghề và trách nhiệm trong công việc, cán bộ làm công tác giáo dục trong cơ sở vừa dạy chữ, vừa là nhà tâm lý. Họ thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng học viên để kịp thời giúp học viên vượt qua mặc cảm, có thêm tự tin trên hành trình từ bỏ ma túy.
Công việc tuy vất vả nhưng các cán bộ giảng dạy của lớp học đặc biệt này vẫn ngày ngày nỗ lực để “học trò” của họ biết đọc, biết viết, hướng đến tương lai tốt đẹp, tránh xa ma túy. Khi biết đọc, biết viết thành thạo các học viên có thể tự học tập, nghiên cứu các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy, giúp họ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Việc biết chữ như liều thuốc giúp họ vượt qua những chuỗi ngày tăm tối để sống tốt hơn sau khi hòa nhập cộng đồng.