Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6: Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em
Tiếng ve râm ran báo hiệu hè về. Trẻ em háo hức đón chào Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Đây cũng là thời điểm Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 được triển khai trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/6 đến ngày 30/6. Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Qua việc tổ chức Tháng hành động vì trẻ em nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết các vấn đề trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em…
Một tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi ở Trường Mầm non Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)
Phấn khởi được nhận món quà Ngày Quốc tế Thiếu nhi do công đoàn cơ quan của mẹ tặng, em Phạm Đức Thành ở phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Năm nào, vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi, cháu cũng được nhận các phần quà của cơ quan bố, mẹ đang công tác. Cháu rất vui vì nhận được sự quan tâm chu đáo. Cháu sẽ cố gắng luôn chăm ngoan, học giỏi để xứng đáng với sự quan tâm này.
Được bố mẹ đăng ký cho một khóa học bơi là phần thưởng cho thành tích đã đạt được trong năm học và Ngày Quốc tế Thiếu nhi của em Lê Hoài An ở xã Song Mai (Kim Động). Hoài An chia sẻ: Với cháu, đây là một phần thưởng thiết thực. Học bơi, cháu vừa được rèn luyện sức khỏe vừa có kỹ năng để phòng, tránh đuối nước.
Những ngày này, nhiều phụ huynh, chính quyền các địa phương, cơ quan trong tỉnh tích cực chuẩn bị cho Ngày Quốc tế Thiếu nhi và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em... Các hoạt động trọng tâm được tổ chức trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 gồm: Tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em; tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Các địa phương tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2023 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” để trẻ em thảo luận, đề xuất những sáng kiến, kiến nghị thực hiện tốt hơn quyền trẻ em. Các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp, mô hình về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em; triển khai các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vận động nguồn lực; hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em mồ côi...
Theo tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay toàn tỉnh có gần 332 nghìn trẻ em; trong đó có 2.469 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 13.276 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để tạo mọi điều kiện cho trẻ em được học tập, rèn luyện, vui chơi, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về trẻ em. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục toàn diện, góp phần xây dựng, vun đắp cho thế hệ tương lai của đất nước. Đến nay, toàn tỉnh có 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định; 100% trẻ em khuyết tật được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Công tác bảo vệ trẻ em được triển khai thực hiện ở cả ba cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội.
Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức truyền thông về phòng, tránh tai nạn thương tích ở trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phối hợp với các địa phương, trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên; tập huấn, truyền thông về kỹ năng phòng, ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em và người lớn. Cùng với bảo đảm các quyền cho trẻ em, các cấp, ngành, địa phương tích cực huy động nguồn xã hội hóa để chăm lo cho trẻ em…
Liên đoàn lao động tỉnh tặng quà cho các cháu thiếu nhi Trường Mầm non Lạc Đạo (huyện Văn Lâm)
Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Các tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được lồng ghép với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 117/161 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo quy định tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 3/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Phối hợp với các địa phương tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình "Ngôi nhà an toàn" phòng, chống tai nạn, thương tích...