Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2023: Tạo điều kiện cho phụ nữ đổi mới sáng tạo

Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới (26/4) năm 2023 có chủ đề 'Phụ nữ với SHTT - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo'. Thực tế, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn khởi nghiệp, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mạnh dạn khởi nghiệp, sáng tạo

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, chị Nguyễn Thị Như ở tổ dân phố Tự, thị trấn Bích Động (Việt Yên) thành thạo nhiều công việc đồng áng. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, tháng 3/2021, chị quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Như Hoa với 16 thành viên để liên kết sản xuất, cây trồng chủ lực là dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới.

Dưa lê Hàn Quốc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có vị ngon đặc trưng, tiêu thụ thuận lợi, vì vậy, chị mạnh dạn đưa sản phẩm này dự thi cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức và giành giải Nhất cấp tỉnh, giải Triển vọng cấp T.Ư. Được biết, mỗi năm, HTX do chị Như làm giám đốc thu từ 25 đến 30 tấn dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới; với giá dao động từ 30 đến 45 nghìn đồng/kg, chị bỏ túi hơn 1 tỷ đồng; trừ chi phí các loại, chị lãi từ 400 đến 500 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Như chăm sóc cây dưa giống.

Chị Nguyễn Thị Như chăm sóc cây dưa giống.

Nhận thấy sản phẩm đóng gói ngày càng được nhiều người ưa chuộng bởi tính tiện dụng, chị đã liên kết với một doanh nghiệp ở tỉnh Lạng Sơn để chế biến sản phẩm dưa lê sấy dẻo theo công nghệ tách nước, khử khuẩn, sấy lạnh. Thời gian tới, chị sẽ mang sản phẩm mới này của HTX dự thi cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2023.

Chị cho biết thêm: "Hiện HTX Nông nghiệp công nghệ cao Như Hoa đang hoàn thiện các thủ tục để tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gồm dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa lê sấy dẻo). Chúng tôi hy vọng sản phẩm của mình sẽ là sản phẩm tiêu biểu, chủ lực của địa phương, được chứng nhận chất lượng, có đầy đủ tính pháp lý để vươn xa ra các thị trường lớn”.

Dưa lê Hàn Quốc tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Như Hoa.

Dưa lê Hàn Quốc tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Như Hoa.

Giống chị Như, nhiều chị em phụ nữ khác cũng năng động, dám nghĩ dám làm, trở thành điển hình trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cái tên Bạch Kim Ngân không còn xa lạ với mọi người. Chị Ngân là giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn).

Nhờ kiên trì, sáng tạo, chị cùng tập thể công ty đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản lên men tự nhiên, chất lượng, an toàn cho sức khỏe. Được biết, sản phẩm tỏi ngâm giấm ớt của công ty đã được xuất khẩu bằng đường biển sang Cộng hòa Séc; giấm táo, giấm vải thiều được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ở lĩnh vực giáo dục, chị Hán Thị Hương Giang đang công tác tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt-Hàn cùng nhóm tác giả vừa hoàn thiện đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở loại xuất sắc về “Nghiên cứu giải pháp phân luồng học sinh THPT thông qua định hướng nghề nghiệp và tour trải nghiệm việc làm”. Với đề tài này, học sinh được trang bị hệ thống thông tin đầy đủ, hữu ích về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Đồng hành, sát cánh cùng chị em phụ nữ

Thống kê từ Hội LHPN tỉnh, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có gần 1,4 nghìn hội viên được các cấp hội hỗ trợ khởi nghiệp thành công theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Liên minh HTX tỉnh cũng thông tin, trong tổng số hơn 830 HTX có khoảng 150 HTX do phụ nữ làm giám đốc, chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phúc Thương đánh giá, nhiều chị em đã tiếp cận, ứng dụng thành công khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, làm ra những sản phẩm được bảo hộ SHTT để khẳng định thương hiệu, phát triển thị trường.

Các thành viên HTX Sản xuất kinh doanh bún bánh, nông sản sạch Đa Mai đóng gói sản phẩm bún khô.

Các thành viên HTX Sản xuất kinh doanh bún bánh, nông sản sạch Đa Mai đóng gói sản phẩm bún khô.

Tìm hiểu ở HTX Sản xuất kinh doanh bún bánh, nông sản sạch Đa Mai (TP Bắc Giang) thấy rõ, HTX có 30 thành viên đều là nữ. Những năm qua, các hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng xuất, giảm nhân công. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ SHTT, HTX đã hoàn thiện các thủ tục và năm 2017 được Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm bún, bánh Đa Mai. Qua đó giúp giữ vững nghề truyền thống, mở rộng thị trường, cho ra sản phẩm mới là bún khô.

Chị Lương Thị Diện, Chủ tịch Hội LHPN phường Đa Mai, cũng là thành viên HTX cho biết, sản phẩm của HTX rất đa dạng nhưng một số loại bánh, rượu chưa được cấp chứng nhận OCOP. Mới đây, HTX đã hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh bánh cốm, bánh phu thê, rượu tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Kính ở tổ dân phố Tân Thành là hộ tiêu biểu trong sản xuất loại bánh cốm, bánh phu thê. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của gia đình chị tiêu thụ từ 10 đến 18 vạn chiếc bánh; giá bán từ 3 đến 5 nghìn đồng/chiếc, tiền lãi thu về từ 10 đến 15 triệu đồng. Từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến đều được thực hiện cẩn thận nên bánh có độ dẻo, dai, mùi thơm dịu nhẹ, đẹp mắt, được "phủ sóng" tại 14 tỉnh, TP như Bắc Ninh, Điện Biên, Thái Bình, Yên Bái…

Chị Nguyễn Thị Kính (áo trắng) giới thiệu về sản phẩm bánh cốm, bánh phu thê.

Chị Nguyễn Thị Kính (áo trắng) giới thiệu về sản phẩm bánh cốm, bánh phu thê.

Chị tâm sự: “Tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" là cơ hội để cơ sở sản xuất của gia đình tôi phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thị trường. Tôi cũng mong muốn được tham gia nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tập huấn, hội nghị về SHTT, đổi mới sáng tạo để học hỏi kinh nghiệm".

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tìm kiếm các cá nhân, tập thể có dự án khởi nghiệp khả thi để hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu. Vừa qua, Sở đã tổ chức các hội nghị tập huấn về SHTT tại huyện Tân Yên, Yên Dũng, Sơn Động. Gần 500 đại biểu ở các địa phương, trong đó có nhiều nữ giới được giới thiệu các hình thức bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể; quản lý, khai thác quyền SHTT đối với sản phẩm đặc trưng.

SHTT luôn song hành với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết thêm, tháng 6/2023, Hội LHPN tỉnh tổ chức ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, dự kiến sẽ trưng bày tại đây hơn 20 gian hàng giới thiệu sản phẩm hàng hóa, nông sản đặc trưng của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ.

Để hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nữ, Hội LHPN tỉnh phối hợp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, tem mác bao bì sản phẩm cho hội viên; phối hợp xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/403533/nhan-ngay-so-huu-tri-tue-the-gioi-nam-2023-tao-dieu-kien-cho-phu-nu-doi-moi-sang-tao.html