Doanh nghiệp top1 ngành tôn mạ sắp huy động gần 1.600 tỷ làm nhà máy mới
Thép Nam Kim sắp chào bán hơn 131 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động vốn xây dựng nhà máy mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ áp sát Tập đoàn Hoa Sen.
CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG), doanh nghiệp đang đứng đầu thị phần ngành tôn mạ, vừa công bố Nghị quyết về việc chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng và thưởng cổ phiếu cho cổ đông.
Với phương án chào bán thêm, Thép Nam Kim dự kiến chào bán tối đa 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tức cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới.
Giá chào bán là 12.000 đồng/cp, chỉ bằng một nửa giá cổ phiếu NKG chốt phiên 8/7 (25.050 đồng/cp). Số cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng, thời gian dự kiến triển khai từ quý III - IV/2024, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Nếu phát hành thành công, Thép Nam Kim dự kiến huy động được gần 1.580 tỷ đồng; và toàn bộ số tiền sẽ góp vốn vào công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thông tin công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 (ĐHĐCĐ), dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 6/2/2024. Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại, sản xuất các loại tôn thép như tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh), tôn mạ hợp kim nhôm kẽm phủ sơn, tôn mạ kẽm phủ sơn; sản xuất sắt, thép, gang.
Quy mô dự án gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 (chưa VAT) là 4.500 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/3/2024, Nam Kim đã góp vốn 500 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Với phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông, Thép Nam Kim dự kiến phân phối hơn 52,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực quyền 100:20, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới. Thới gian thực hiện trong quý III - IV/2024 và cùng thời điểm với đợt chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu.
Nếu hoàn thành cả hai đợt phát hành trên, vốn điều lệ của Thép Nam Kim dự kiến sẽ tăng từ 2.633 tỷ đồng lên gần 4.475 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) hiện là đơn vị niêm yết lớn nhất ngành tôn mạ với vốn điều lệ 6.159 tỷ đồng. Như vậy, sau hai đợt phát hành trên, Nam Kim sẽ nâng vốn điều lệ của mình áp sát với doanh nghiệp của Chủ tịch Lê Phước Vũ.
Năm 2024, Nam Kim đặt kế hoạch tổng doanh thu 21.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 137% so với thực hiện trong năm 2023.
Thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 4, đại diện Thép Nam Kim nhận định ngành thép trong năm nay tiếp tục hồi phục nhưng mức tăng vẫn sẽ rất khiêm tốn, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì nền lãi suất cao. Do đó, công ty đánh giá chiến lược kinh doanh năm 2024 ngoài gia tăng lợi nhuận, việc củng cố thị trường cũng như mở rộng các đối tác mới sẽ là yếu tố then chốt trong hoạch định tương lai dài hạn.
Với thị trường nội địa, sức mua của người dân vẫn đang là dấu hỏi, trong khi thị trường bất động sản cần thời gian để ngấm các chính sách hỗ trợ, công ty dự báo con đường phục hồi trong năm 2024 vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.
Thêm nữa, Thép Nam Kim cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mạ màu và hợp kim, hướng tới các dòng sản phẩm có thể phục vụ cho sản xuất đồ gia dụng, chi tiết máy, cơ khí chính xác, phục vụ cả cho các nhà máy hiện hữu và chiến lược xây dựng nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ trong tương lai.
Chủ tịch Thép Nam Kim cho biết, dự kiến quý IV/2025 – quý I/2026 nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động và dần nâng lên 100% công suất đến năm 2027.
Sản phẩm mới của nhà máy mang tính chiến lược, khác với thị trường khi tạo chất lượng cao hơn. Dự kiến khi nhà máy mới đi vào hoạt động, tổng công suất sản xuất sẽ được nâng lên 1,6 triệu tấn/năm.
Chủ tịch Hồ Minh Quang cho biết việc nhà máy mới không định hướng mở rộng thị phần mà phục vụ chất lượng tốt hơn cho người dùng, tạo giá trị gia tăng.
Còn Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ chia sẻ, việc đầu tư vào nhà máy mới là cách Thép Nam Kim tập trung đi theo chuỗi giá trị ngành, bởi công ty vẫn còn thấy dư địa tham gia cả trong nước và xuất khẩu.
Thực tế công ty sẽ chọn công nghệ, tính toán cơ cấu, và sản phẩm đầu ra sẽ phục vụ cho ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ, ngành hành điện gia dụng, và cả một số linh kiện phụ kiện cho xe hơi.
Hiện tại, các doanh nghiệp tôn mạ hiện nay chỉ đầu tư vào sản phẩm ứng dụng cho ngành xây dựng. Trong khi Thép Nam Kim hướng đến sản phẩm tôn mạ mới và phân khúc này theo tôi đánh giá trong nước chỉ có 1 - 2 doanh nghiệp nước ngoài đi theo hướng này.