Nhân Ngày thế giới Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (17-11) Hành động để xoa dịu nỗi đau do tai nạn giao thông

Mỗi năm, trên toàn tỉnh có hàng trăm người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT), họ mất đi để lại đau thương và khoảng trống không gì có thể bù đắp được với người thân, gia đình. Để chung tay chia sẻ nỗi đau TNGT và kéo giảm TNGT trên toàn tỉnh, các cơ quan chức năng đang thực hiện hàng loạt giải pháp thiết thực đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).

Ông Đ.Q.S. (46 tuổi, ngụ xã An Viễn, huyện Trảng Bom) bị tai nạn giao thông đang chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: L.Duy

Ông Đ.Q.S. (46 tuổi, ngụ xã An Viễn, huyện Trảng Bom) bị tai nạn giao thông đang chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: L.Duy

Nỗi đau nhân đôi

Gần 6 tháng sau ngày bà Đặng Thị Mỹ Hạnh (65 tuổi, ngụ ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) qua đời do TNGT tại huyện Vĩnh Cửu, ông Trần Văn Phương (69 tuổi) vẫn không thể vơi bớt nỗi đau mất vợ. Ngôi nhà trước đây chỉ có 3 ông bà cháu sống quây quần vốn đã neo người, nay vắng vẻ hơn khi chỉ còn ông và cháu nội Nguyễn Thị Ngọc Linh (18 tuổi).

Thương cảm hơn, cả 2 người trong ngôi nhà ấy đều chịu đến 2 lần nỗi đau mất đi người thân vì TNGT. Với ông Phương là nỗi đau mất vợ và con trai lớn (anh Trần Văn Đại, là cha của Linh), với Linh là nỗi đau mất bà nội và cha ruột.

Ông Phương kể lại, năm 2008, con trai lớn của ông bị TNGT, để lại con gái là Ngọc Linh mới 2 tuổi cho ông bà nuôi. Đến ngày 30-4-2024, bà Hạnh được Linh dùng xe máy chở đi đám cưới tại thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) thì gặp TNGT. Cả 2 bà cháu được đưa đi cấp cứu nhưng chỉ có Linh may mắn sống sót, còn bà Hạnh qua đời vào ngày 1-5-2024, do thương tích quá nặng.

Hiện nay, gia đình ông Phương sống chủ yếu nhờ vào thu nhập của Linh đang phụ việc cho một số cửa hàng tại huyện Trảng Bom và sự giúp đỡ từ 2 người con khác của ông sống gần đó. Do đó, ông tự dặn lòng phải cố gắng vượt qua nỗi đau để sống khỏe, không để con cháu thêm lo lắng.

Tương tự gia đình ông Trần Văn Phương là gia đình ông Lê Văn Sang (59 tuổi, ngụ ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) đang nuôi cháu nội là em L.N.T.T. (8 tuổi, học sinh Trường tiểu học Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) khi cha của em (anh Lê Huỳnh Trọng, 34 tuổi) qua đời vì TNGT vào ngày 4-10-2024.

Ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo là nơi sinh sống qua nhiều thế hệ của gia đình ông Sang. Do anh Trọng và vợ ly hôn đã lâu nên từ khi còn nhỏ, em T. đã sống cùng gia đình nhà nội. Ông Sang đã lớn tuổi nên những năm gần đây, trụ cột kinh tế chính trong nhà là anh Trọng. Ngày 4-10-2024, anh Trọng gặp TNGT trên đường tỉnh 768 (đoạn thuộc xã Thạnh Phú) rồi qua đời, khiến ông Sang và vợ trở thành nơi nương tựa duy nhất của em T.

Ông Lê Văn Sang tâm sự, gia đình ông phải nén nỗi đau để trở thành chỗ dựa cho cháu nội ổn định tâm lý, tiếp tục học hành. Hiện nay, trong nhà vẫn còn gia đình một người con khác của ông sống chung và vợ ông vẫn còn đi làm ở công ty may gần đó nên các khoản chi tiêu trong nhà vẫn còn nhiều người cáng đáng được. Ông chỉ mong bản thân có sức khỏe để tìm một công việc nhỏ nuôi cháu ăn học nên người.

Năm 2024, Ban ATGT tỉnh tổ chức thăm hỏi 40 gia đình có người tử vong do TNGT tại huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom (ngoài ra còn hàng trăm gia đình khác được ban ATGT các huyện, thành phố thăm) nhân Ngày thế giới Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2024.

“Chật vật” trước lằn ranh sinh - tử

Tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, không khí nặng trĩu đeo bám bà N.T.V. suốt 4 tháng qua khi chồng của bà là ông Đ.Q.S. (46 tuổi, ngụ xã An Viễn, huyện Trảng Bom) không may gặp TNGT vào tối 12-7.

Bà V. nghẹn ngào kể, tối hôm đó, ông S. trên đường đi viếng đám tang về, khi qua Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) thì bất ngờ xảy ra va chạm với xe tải.

Ông S. là giáo viên và là trụ cột chính trong gia đình, giờ chỉ còn lại thân hình gầy yếu, bất động trên giường bệnh, gánh nặng kinh tế và nỗi đau tinh thần vẫn đè nặng lên gia đình. Sau TNGT, ông S. bị chấn thương sọ não nặng, phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) để điều trị. Tình trạng sau đó lại trở nên xấu hơn khi ông bị viêm màng não, một trong những biến chứng nặng nề của chấn thương sọ não và hậu phẫu thuật nên phải điều trị lâu dài. Gia đình đã chuyển ông S. về Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

TNGT không chỉ xảy ra khi có va chạm giữa xe ô tô và xe máy, mà giữa các xe máy với nhau cũng có thể dẫn đến hậu quả nặng nề với người tham gia giao thông. Đó là trường hợp bà V.T.T.X. (56 tuổi, ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) đang chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (thành phố Biên Hòa). Bà được chẩn đoán đa chấn thương: gãy xương đòn, xương bả vai và 9 chiếc xương sườn do TNGT.

Bà X. kể lại vụ TNGT mà bà vừa trải qua mà chưa hết bàng hoàng: “Hơn 2 tuần trước, tôi chạy xe máy trên đường đi làm thuê tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước). Lúc đó khoảng 7h, trời cũng đã sáng rõ, đột nhiên một người cạo mủ cao su di chuyển cùng đoạn đường, xuất hiện từ phía đối diện, mất kiểm soát dẫn đến 2 xe va chạm. Tôi bị hất văng xuống bụi cỏ và được người dân địa phương đưa đi cấp cứu. Hiện tôi phải điều trị lâu dài, kinh tế cũng khó khăn”.

Theo Ban ATGT tỉnh, thông qua hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT nhằm cảnh báo toàn xã hội về thảm họa TNGT, các nguyên nhân và nguy cơ TNGT tại Đồng Nai. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức của mọi người trong việc chấp hành pháp luật giao thông để phòng tránh TNGT, góp phần thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT trong thời gian tới.

Tăng cường kiểm soát an toàn giao thông

Từ những trường hợp TNGT nói trên cho thấy, hậu quả, nỗi đau từ các vụ TNGT kéo dài âm ỉ. Người mất đi để lại không chỉ nỗi tiếc thương vô hạn, mà còn là khoảng trống không bù đắp được với người ở lại.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Não Thiên Anh Minh nhận định, với mục tiêu kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương do TNGT) nên từ đầu năm 2024, Ban ATGT tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, tập trung vào một trong những mục tiêu quan trọng là kéo giảm số người tử vong do TNGT.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua thành phố Biên Hòa. Ảnh: M.Thành

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua thành phố Biên Hòa. Ảnh: M.Thành

Trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 513 vụ TNGT, làm chết 367 người, bị thương 246 người. So với cùng kỳ năm 2023, không tăng giảm số vụ; giảm 80 người chết và tăng 41 người bị thương do TNGT. Trong đó chủ yếu là TNGT đường bộ, với 510 vụ.

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát, nhất là tập trung xử phạt các hành vi vi phạm nguy hiểm của người lái xe như: vi phạm nồng độ cồn; tránh, vượt không đúng quy định; chạy quá tốc độ… Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông đang tích cực tiếp nhận clip, hình ảnh của người dân ghi lại hành vi vi phạm giao thông để có biện pháp xử lý triệt để. Việc này khiến người lái xe phải tuân thủ các quy định về ATGT, qua đó hạn chế TNGT xảy ra.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong thời gian tới cần tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phương án phòng ngừa, xử lý kịp thời các vụ việc trên đường như: đua xe trái phép, tụ tập đông người trên đường gây ùn tắc giao thông… Đồng thời, phối hợp, chủ động kiểm tra, duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông như: hư hỏng mặt đường, khôi phục các vạch sơn bị mòn mờ, thay thế sửa chữa các biển báo giao thông. Qua đó đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông trên đường.

Minh Thành - Lê Duy

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202411/nhan-ngay-the-gioi-tuong-niem-cac-nan-nhan-tu-vong-do-tai-nan-giao-thong-17-11-hanh-dong-de-xoa-diu-noi-dau-do-tai-nan-giao-thong-8e473df/