Nhân ngày Trái Đất 2024, Google thay ảnh đại diện
Google Doodle hôm nay nhấn mạnh vào vẻ đẹp thiên nhiên, tính đa dạng sinh học và nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc bảo vệ hành tinh này.
Nhân Ngày Trái Đất năm 2024, Google Doodle hôm nay thay đổi để tôn vinh Ngày Trái Đất diễn ra vào 22/4 hằng năm.
Cụ thể, ra mắt từ năm 1998, Google Doodle là những thiết kế minh họa doodle sinh động, hiển thị trên trang tìm kiếm của Google. Đây được xem là một “cuốn lịch sáng tạo” cung cấp cho người dùng thông tin về những sự kiện thú vị hoặc quan trọng diễn ra trong năm.
Khi click vào biểu tượng Google trên trang chủ, người dùng Internet sẽ được trỏ trang thanh tìm kiếm với nội dung "Tiến trình biến đổi khí hậu" để giúp người đọc tìm hiểu về biến đổi khí hậu cũng như các tác động của nó.
Google Doodle là biểu tượng đặc biệt, hình ảnh khác nhau thay thế tạm thời cho biểu tượng, logo của Google.
Thay vì logo truyền thống với dòng chữ "Google" khô khan thì đội ngũ thiết kế của hãng đã biến tấu nó thành những hình ảnh hài hước, vui vẻ, ý nghĩa nhằm nhắc nhở mọi người về các ngày lễ hội, kỷ niệm hay sự kiện đặc biệt của thế giới.
Việc này không chỉ đóng góp vào việc "phổ cập" kiến thức theo cách thông minh mà nó còn tạo cho người dùng thói quen chờ Google Doodle xem "hôm nay có gì mới".
Theo Google, Doodle Ngày Trái đất hàng năm này tập hợp các bức ảnh được chụp từ trên không miêu tả vẻ đẹp tự nhiên và đa dạng sinh học của hành tinh, đồng thời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ nó cho các thế hệ tương lai.
Ngày Trái đất là ngày để nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên của Trái đất. Ngày Trái đất lần đầu được tổ chức như một cuộc hội thảo về môi trường vào ngày 22/4/1970 dưới sự tài trợ của Thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson.
Một tổ chức được thành lập bởi Denis Hayes, nguyên là điều phối viên toàn quốc năm 1970, đã đưa Ngày Trái đất lên tầm quốc tế vào năm 1990 và tổ chức các sự kiện ở 141 quốc gia.
Đáng chú ý ngày Trái đất hiện tại được điều phối toàn cầu bởi Mạng Ngày Trái Đất (Earth Day Network) và được tổ chức hằng năm tại hơn 192 quốc gia. Nhiều cộng đồng thậm chí còn tổ chức sự kiện Tuần Trái đất - một tuần của các hoạt động xoay quanh các vấn đề môi trường.
Năm 2009, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố ngày 22/4 là Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất (International Mother Earth Day).
Google Doodle hôm nay 22/4/2024 tôn vinh Ngày Trái Đất với 6 hình ảnh từ các địa điểm trên toàn cầu. Qua đó, Google nhắc nhở về quá trình biến đổi khí hậu.
Quần đảo Turks và Caicos: Quần đảo này là nơi có các khu vực đa dạng sinh học quan trọng với những nỗ lực bảo tồn nhằm giải quyết các thách thức môi trường đang diễn ra, bao gồm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và rạn san hô cũng như khôi phục các loài có nguy cơ tuyệt chủng như cự đà đá.
Vườn quốc gia Scorpion Reef, Mexico: Còn được gọi là Arrecife de Alacranes, đây là rạn san hô lớn nhất ở phía nam vịnh Mexico và là khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Khu bảo tồn biển đóng vai trò là nơi ẩn náu của san hô và một số loài chim và rùa có nguy cơ tuyệt chủng.
Vườn quốc gia Vatnajökull, Iceland: Được thành lập như một công viên quốc gia vào năm 2008 sau nhiều thập kỷ vận động, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận này bảo vệ hệ sinh thái trong và xung quanh sông băng lớn nhất Châu Âu. Sự kết hợp giữa núi lửa và băng hà tạo nên cảnh quan và hệ thực vật quý hiếm.
Vườn quốc gia Jáu, Brazil. Còn được gọi là Parque Nacional do Jáu, đây là một trong những khu bảo tồn rừng lớn nhất Nam Mỹ và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Nằm ở trung tâm rừng nhiệt đới Amazon, khu vực này bảo vệ rất nhiều loài, bao gồm mèo đốm margay, báo đốm, rái cá khổng lồ và lợn biển Amazon.
Bức tường xanh vĩ đại, Nigeria. Bắt đầu vào năm 2007, sáng kiến do Liên minh châu Phi dẫn đầu này nhằm khôi phục đất bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa trên khắp châu Phi, trồng cây và các thảm thực vật khác đồng thời thực hiện các biện pháp quản lý đất đai bền vững. Việc này cũng mang lại cho người dân và cộng đồng trong khu vực những cơ hội kinh tế gia tăng, an ninh lương thực và khả năng phục hồi khí hậu.
Khu bảo tồn thiên nhiên quần đảo Pilbara, Úc. Nằm cạnh một trong những Khu bảo tồn Thiên nhiên Đảo Pilbara, một trong 20 khu bảo tồn thiên nhiên ở Úc giúp bảo vệ các hệ sinh thái mỏng manh, môi trường sống tự nhiên ngày càng quý hiếm và một số loài bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng—bao gồm nhiều loài rùa biển, chim ven biển và chim biển.
Năm 2009, ngày 22/04 được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận là một sự kiện về Trái Đất và môi trường được cả thế giới hưởng ứng hàng năm. Ngày Trái đất là một dịp quan trọng để nhắc nhở về tầm quan trọng của bảo vệ và tôn trọng môi trường sống chung của chúng ta.
Trúc Chi (t/h Vietnam+, VTC News)