Nhân ngày vì NNCĐDC Việt Nam (10/8) và kỷ niệm 20 năm thành lập Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam (2004 – 2024) Chia lửa 'cuộc chiến' chất độc da cam

Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, những năm qua, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) trong tỉnh đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cả hệ thống chính trị. Qua đó, tiếp thêm động lực để họ vượt qua nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, vươn lên trong cuộc sống.

Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Yên Mỹ thăm hỏi, động viên NNCĐDC

Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Yên Mỹ thăm hỏi, động viên NNCĐDC

Bà Phạm Thị Quý, 53 tuổi nhưng cái tuổi bị giấu trong hình hài của đứa trẻ lên 3. Bà Quý ngồi khom khom trên chiếc giường mà từ khi sinh ra, nó đã buộc chặt vào đời bà như một phần sinh mạng. Suốt mấy chục năm qua, bà Quý và em trai là Phạm Văn Luân sống trong bóng tối với hình hài của một đứa trẻ, chỉ thi thoảng 2 chị em mới nở nụ cười ngây dại, miệng ú ớ phát ra những âm thanh không rõ ràng. Ông Phạm Ngọc Thất, xã Minh Hoàng (Phù Cừ) cho biết: Tôi làm lái xe của Đoàn 559 phục vụ trong chiến trường. Hậu quả của chất độc hóa học thật tàn khốc, tôi sinh được 6 người con thì 4 người bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó Quý và Luân bị di chứng nặng nhất, đều mất 81% sức khỏe, bị thần kinh, mắt mù lòa. Hơn 50 năm nay, vợ chồng tôi trở thành đôi mắt, đôi tay của con, 2 người con 1 người 48 tuổi, 1 người 53 tuổi chẳng khác gì những đứa trẻ hiền lành hiểu chuyện, mọi sinh hoạt từ ăn, uống, tắm, gội đều do chúng tôi đã gần 90 tuổi chăm sóc.

Nỗi đau xuyên thế hệ không phải là chuyện hiếm dưới những mái nhà của NNCĐDC. Đối với bà Đào Thị Hạnh 58 tuổi ở xã An Viên (Tiên Lữ) ngày này qua tháng khác, việc duy nhất bà có thể làm được là xâu những hạt vòng vào dây, xong lại tuốt ra và xâu lại. Em gái bà Hạnh là bà Đào Thị Thu từ lúc thức cho đến lúc đi ngủ với con búp bê bằng vải cũ kỹ luôn được bà ôm ấp, nâng niu bế trên tay. Bà Phạm Thị Thái - mẹ của bà Hạnh và bà Thu chia sẻ: Trong thời gian tham gia kháng chiến, chồng tôi là Đào Minh Đức bị nhiễm chất độc hóa học và di truyền sang 2 người con gái. Ông Đức mất cách đây 27 năm nên mọi gánh nặng đổ lên vai tôi. Lúc tuổi xuân, niềm vui, niềm hạnh phúc của người làm mẹ cứ lụi tàn sau mỗi lần sinh nở khi chứng kiến con mình sinh ra trên đời nhưng bị dị tật. Mặc dù tôi đã 80 tuổi nhưng mọi sinh hoạt của 2 con đều do tôi chăm sóc. Gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tạo động lực giúp tôi vững tin, khắc phục khó khăn để chăm sóc các con.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc vào ngày 30/4/1975 lịch sử, nhưng “cuộc chiến” với chất độc da cam vẫn đang hiện diện ở nhiều gia đình. Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 4.024 NNCĐDC đang được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, trong đó có 2.764 người nhiễm trực tiếp và 1.260 NNCĐDC bị nhiễm gián tiếp. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh thường xuyên đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NNCĐDC. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tầng lớp Nhân dân thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với người có công, quan tâm ủng hộ, xây dựng Quỹ Bảo trợ NNCĐDC do chiến tranh ở Việt Nam tỉnh Hưng Yên và có hành động thiết thực chăm lo, hỗ trợ NNCĐDC. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân xây dựng quỹ các cấp được hơn 86 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, đã hỗ trợ cho trên 118 nghìn lượt NNCĐDC với số tiền gần 70 tỷ đồng bằng các hình thức như: Hỗ trợ sinh kế; tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng quà; khám bệnh, cấp thuốc...

Nhằm huy động mọi nguồn lực chung tay chăm sóc NNCĐDC, mỗi địa phương, đơn vị có một cách triển khai linh hoạt, tạo hiệu quả thiết thực. Ông Lê Xuân Chiến, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Yên Mỹ cho biết: Đơn vị đã phối hợp thực hiện việc khảo sát nhu cầu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình sức khỏe, trình độ từng NNCĐDC để đề xuất giải pháp trợ giúp bảo đảm phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đồng thời công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực, bảo đảm tiền, hiện vật mà các tổ chức, cá nhân ủng hộ luôn đến được đúng đối tượng.

Từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhiều NNCĐDC đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bệnh tật, tích cực tham gia hoạt động xã hội. Chị Phạm Thị Lý ở thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) là NNCĐDC mắc bệnh tim bẩm sinh, bị liệt đôi chân sau một lần bạo bệnh, sức khỏe yếu, điều kiện gia đình khó khăn khiến chị phải bỏ dở việc học. Không đầu hàng số phận, từng ngày chị Lý vẫn cố gắng tập luyện đi lại, tự học ở nhà, trau dồi kiến thức và mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh. Tấm gương vươn lên của chị đã truyền cảm hứng cho nhiều học sinh cùng nỗ lực rèn luyện, học tập ngày một tiến bộ.

Ông Phạm Lê Bình, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh cho biết: Thời gian tới, các cấp hội trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực xây dựng Quỹ bảo trợ NNCĐDC do chiến tranh ở Việt Nam tỉnh Hưng Yên; tiếp tục sâu sát cơ sở nhằm nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện sống của từng nạn nhân để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với NNCĐDC nhằm góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Hồng Ngọc

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chia-lua-cuoc-chien-chat-doc-da-cam-3174401.html