Nhan nhản học sinh ở TP.HCM không đội mũ bảo hiểm, đi xe phân khối lớn, lạng lách
Thời gian gần đây, tình trạng học sinh điều khiển xe gắn máy, xe điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra phổ biến tại nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Không chỉ chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn tham gia giao thông, nhiều học sinh còn không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định...
Có mặt trước cổng trường THPT Marie Curie trên đường Ngô Thời Nhiệm (Quận 3), không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh điều khiển xe gắn máy phân khối lớn (trên 50cm3) với các dòng xe Wave, Lead hay thậm chí là Vespa, SH lưu thông trên đường.
Điều đáng nói, nhiều học sinh xem thường Luật Giao thông đường bộ khi vi phạm cùng lúc nhiều quy định như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, dàn hàng ngang trên đường… gây mất an toàn giao thông.
Thường xuyên đưa đón cháu đi học, ông Nguyễn Văn Chúc (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, nhiều em học sinh chạy xe rất ẩu. Ông Chúc lo ngại khi nhan nhản học sinh đầu trần đi xe máy, xe đạp điện tới trường: “Tôi đứng ở đây khoảng 15-30 phút đã thấy nhiều em học sinh không đội nón, không tôn trọng luật lệ giao thông. Nhiều em học sinh như vậy lắm”.
Hiện nay, tình trạng học sinh không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ xảy ra khá phổ biến, từ các trường THPT ở nội thành đến ngoại thành. Vào giờ tan trường buổi trưa, trên các tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học (Quận 1), Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3), Đỗ Xuân Hợp, đường 297 (Thủ Đức), Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), Trương Thị Hoa (Quận 12)... rất dễ nhìn thấy học sinh trong các bộ đồng phục vô tư vi vu trên những chiếc xe máy phân khối lớn. Thậm chí, nhiều em còn lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, khiến người đi đường ngán ngẩm.
Ông Đỗ Văn Hải (ngụ Quận 4) bức xúc khi thường xuyên chứng kiến hành vi thiếu ý thức, không chấp hành Luật Giao thông của nhiều em học sinh: “Tôi thấy nhiều em băng ngang đường không dòm ngó xe cộ. Nhiều đứa không biết đã đủ tuổi, có bằng lái chưa mà chạy xe phân khối lớn ào ào”.
Thừa nhận có tình trạng học sinh của trường chạy xe máy có du tích xi lanh trên 50cm3 đến trường, thầy Nguyễn Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie cho biết đây là “vấn đề muôn thuở” nhưng nhà trường còn gặp khó khăn trong việc xử lý một cách triệt để. Bởi các trường hợp vi phạm xảy ra bên ngoài nhà trường, học sinh đi xe máy phân khối lớn thường tìm chỗ gửi tại các điểm giữ xe xung quanh trường học nhằm tránh sự giám sát của thầy cô.
Thầy Nguyễn Minh Hùng cho biết thêm, nhà trường đã đề nghị phụ huynh ký cam kết không giao phương tiện phân khối lớn cho con em điều khiển đến trường; bãi xe cũng không nhận giữ xe máy phân khối lớn của học sinh. Việc tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ được trường thực hiện thường xuyên; học sinh vi phạm bị CSGT lập biên bản sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm. Thậm chí nhà trường đã gửi công văn cho UBND phường đề nghị phối hợp tuyền truyền các bãi xe xung quanh không nhận giữ xe của học sinh.
“Việc giao xe phân phối lớn cho học sinh là do ý thức của phụ huynh. Việc này là ngoài tầm của nhà trường rồi, không thể can thiệp được. Xung quanh trường có nhiều bãi xe tư nhân, khi giám thị của trường đến ghi nhận thông tin học sinh vi phạm thì những người giữ xe này thường gây khó dễ. Họ còn ném đá vào giám thị, nên nhà trường không thể cho thầy cô giám thị ra ngoài”, thầy Hùng cho biết thêm.
Một học sinh của trường THPT Marie Curie (Quận 3, TP.HCM) cho biết: “Trường em chỉ nhận giữ xe 50cm3 thôi, còn những xe phân khối lớn hơn thì những bạn nào có bằng lái thì trường mới nhận giữ. Em thấy vẫn có các bạn gửi xe ở những nơi gần trường hơn, tình trạng chạy xe 100cm3 vẫn xảy ra. Phần lớn các bạn lớp em chạy xe phân khối lớn là do tâm lý phụ huynh nghĩ con em họ sắp đủ tuổi rồi nên mua một lần để sau này khỏi phải đổi xe”.
Ở đô thị có mật độ giao thông lớn như TP.HCM, việc không tuân thủ Luật Giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Đối với các em học sinh, ngoài sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông thì sự chủ quan của nhiều phụ huynh, giao xe phân khối lớn cho con em điều khiển khi chưa đủ tuổi, hoặc chưa có giấy phép lái xe đồng nghĩa với việc xem thường sức khỏe, tính mạng của chính con em mình./.