Nhan nhản lời mời chào thiết bị hỗ trợ gian lận thi cử

Những thiết bị điện tử mini được chào bán công khai để hỗ trợ gian lận thi cử nhưng người mua cần cảnh giác và nghĩ đến hậu quả phải gánh chịu.

Đắt hàng ngày sắp thi

Chỉ một cú click chuột máy tính, hàng loạt trang web rao bán các thiết bị thu, phát cỡ nhỏ nhảy lên đầy màn hình vi tính. Trong vai người mua hàng, phóng viên báo Tin tức bấm một số điện thoại trong các quảng cáo, được nhận tư vấn online ngay lập tức.

Nhiều trang web quảng cáo thiết bị nghe lén, chụp lén. Ảnh: LV

Nhiều trang web quảng cáo thiết bị nghe lén, chụp lén. Ảnh: LV

Người bán đưa ra mô tả: Những tai nghe không dây, không cần dùng điện thoại điều khiển nhưng có chức năng tự nhận cuộc gọi, hạt tai nghe siêu nhỏ (chỉ 5mm) cho âm thanh tốt, giúp việc đàm thoại 3 chiều dễ dàng, từ khoảng cách xa hàng ngàn km vẫn nghe rõ. “Mức giá dao động từ 1 - 1,6 triệu đồng, tùy loại, xài thử thoải mái”- nhân viên tư vấn cho biết.

Người tư vấn cũng chào hàng những loại đang được bán chạy nhất như: Tai nghe ATM, camera đọc chữ, tai nghe siêu nhỏ, camera wifi siêu nhỏ ngụy trang quay lén... Không đợi khách phải trình bày, đại diện cửa hàng khẳng định ngay: “Mua hàng của cửa hàng em, đảm bảo thông tin của khách hàng được bảo mật”.

Những thiết bị này, theo người chào hàng, là được sử dụng cho nhiều mục đích, trong đó những tháng đầu hè bán khá chạy, chủ yếu là cho những khách quan tâm tới việc “có sử dụng trong phòng thi được hay không”.

Những năm trước đây, phòng PA03, Công an Thành phố Hà Nội đã phát hiện những vụ việc liên quan đến gian lận thi cử với các thiết bị thu phát gài bên trong áo, giấu trong tóc, hay chỉ như chiếc đồng hồ đeo tay có chức năng chụp ảnh đề thi gửi ra bên ngoài. Những thiết bị như vậy, so với năm nay vẫn bị coi là “cồng kềnh” hơn, bởi các thiết bị của năm nay đã nhỏ tới mức có thể cài trong ống tai, thậm chí cài vào… răng, và không có dây dẫn.

Tăng cường tập huấn cho giám thị

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở đã tập huấn cho 100% cán bộ coi thi về cách nhận biết những trang thiết bị tinh vi như thế này. Đồng thời, trước đó, các nhà trường cũng tuyên truyền cho học sinh về mức độ xử phạt nếu bị phát hiện.

“Bất cứ thái độ, hành động bất thường nào của thí sinh, thì giám thị đều phải lưu tâm. Ví dụ: Thí sinh thường gãi tai là có thể có thiết bị đặt trong tai; trời nóng nhưng mặc quần áo hơi nhiều là có thể cần che giấu tài liệu hoặc thiết bị gì đó; hoặc thí sinh có biểu hiện giơ bài thi để chụp ảnh… Trước các biểu hiện đó, giám thị báo cáo ngay với điểm trường để có thể phối hợp cùng với công an để kiểm tra”, ông Nguyễn Văn Hoàn nói. Các thí sinh bị phát hiện có hành vi gian lận, sử dụng thiết bị điện tử truyền phát tin ra ngoài phòng thi sẽ bị đình chỉ thi, thậm chí nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp sau khi trúng tuyển mà bị phát hiện đã gian lận trong kỳ thi thì thí sinh sẽ bị đuổi học.

Theo PGS TS Trần Văn Tớp, Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc coi thi. Việc bảo mật cũng như tập huấn cho cán bộ coi thi luôn được trường thực hiện tốt. Trường cũng liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về các thiết bị công nghệ cao, cũng như phối hợp với công an trong việc tập huấn tới giám thị.

“Thiết bị ngày càng tinh vi trong thời đại công nghệ số. Nhưng điều khiển thiết bị vẫn là con người, do con người làm ra. Do đó, trách nhiệm coi thi, giám sát kỳ thi được đặt lên vai mỗi cán bộ coi thi”, PGS TS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Năm nay, tới giờ này, việc lắp camera giám sát ở 100% điểm thi đã hoàn thành. Đây cũng là một điểm đổi mới trong việc chống gian lận trong thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục cũng như những cán bộ thanh tra cho rằng, trước tình trạng các thiết bị điện tử hỗ trợ cho hành vi gian lận thi cử ngày càng tinh vi và hiện đại như thế này, rất cần sự vào cuộc của cơ quan an ninh mạng để ngăn chặn hiệu quả.

Theo Ths. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, hiện nay, có 3 đối tượng được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận; Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận; Cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Các cơ sở kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình chỉ được phép bán cho các đối tượng được pháp luật cho phép sử dụng biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật, đó là: Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cơ quan có trách nhiệm thi hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo điều kiện, thẩm quyền, thủ tục về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.

Lê Vân – Minh Phương/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/nhan-nhan-loi-moi-chao-thiet-bi-ho-tro-gian-lan-thi-cu-20190621113907327.htm