Nhan nhản vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng
Mặc dù cơ quan chứng năng đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng tình trạng này vẫn diễn ra như cơm bữa, khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Ngày 21/11, trên http://tinsuckhoedoisong.info quảng cáo thực phẩm chức năng bổ thận KANKA như thuốc chữa bệnh, trên trang này sản phẩm bổ thận KANKA được thổi phồng với những từ như “khắp cả nước xôn xao với sản phẩm bổ thận KANKA Nhật Bản điều trị yếu sinh lý, ra sớm từ Nhật Bản”.
Ngoài trang này, trên trang mạng http://sinhlynam.shop, sản phẩm trên còn được người bán dẫn lời chuyên gia quảng cáo thổi phồng công dụng như: “Sự khác biệt mà bổ thận KANKA mang lại so với các sản phẩm khác trên thị trường đó là việc tác động một cách tích cực và tận gốc vào cơ thể, điều trị từ chính gốc rễ của vấn đề. Người ta tính ra được hoạt chất trong một viên KANKA tương đương với 50g hoạt chất chiết xuất từ 5 loại nhân sâm tinh luyện thành. Công thức sản phẩm đặc biệt hiệu quả trong việc cải thiện sinh lý nam giới, là một phương pháp điều trị bền vững và đáng tin cậy”.
Thực tế, thời gian gần đây, nhiều loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe thổi phồng quảng cáo. Gần đây nhất, ngày 13/11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các website vuongkhi.com và nuoiconkhoe.vn quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng Khí sai quy định của pháp luật về quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, vì được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng Khí trên trang website/internet trên.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong, để hạn chế vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, mất an toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, ngành y tế đã tăng cường các biện pháp thanh, kiểm tra và xử lý sai phạm liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, ngành y tế đã thanh tra, kiểm tra gần 428.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện hơn 65.000 cơ sở vi phạm, đã xử lý hơn 13.000 cơ sở, phạt tiền hơn 12.000 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 46 tỷ đồng, bình quân 1 cơ sở phạt 3,9 triệu đồng (cùng kỳ 2018 phạt 1 cơ sở 2,2 triệu đồng).
Ngoài các hình thức phạt tiền còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ lưu hành, tiêu hủy 1.706 loại sản phẩm, chuyển cơ quan điều tra và cơ quan chức năng khác xử lý gần 180 trường hợp. Các địa phương tiến hành xử phạt nhiều gồm: Hà Nội xử phạt trên 13,7 tỷ đồng; TP.HCM xử phạt trên 8 tỷ đồng; Quảng Ninh gần 3 tỷ đồng; Đồng Nai hơn 2,3 tỷ đồng; Nghệ An hơn 1,6 tỷ đồng; Thanh Hóa gần 1,2 tỷ đồng.
Một thực tế là không ít sản phẩm thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe vi phạm quảng cáo nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện và tiến hành kiểm tra, xử lý thì công ty sản xuất sản phẩm đó luôn cho rằng, không thực hiện quảng cáo sản phẩm này.
Ví như thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng Khí vừa được Cục An toàn thực phẩm phát hiện quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các websitevuongkhi.com và nuoiconkhoe.vn. Sản phẩm này được Công ty Cổ phần Phúc An Việt Nam (địa chỉ: thôn An Lãng, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Sau khi phát hiện, Cục An toàn thực phẩm đã mời Công ty Cổ phần Phúc An Việt Nam lên làm việc, tuy nhiên đại diện công ty khẳng định sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng Khí đang được quảng cáo trên website như thuốc chữa bệnh không phải do Công ty thực hiện. Công ty không chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo sản phẩm Cao lỏng Vượng Khí vi phạm quy định được quảng cáo trên các website này.
TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, bên cạnh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Cục An toàn thực phẩm đã và đang làm việc với quan chức năng để tìm giải pháp hạn chế, ngăn chặn tình trạng trên.