Nhân quyền không thể đo bằng thước ngắn của EU!

Trong bản báo cáo thường niên 2024 về tình hình nhân quyền toàn cầu, Liên minh châu Âu (EU) lại một lần nữa đưa ra những nhận định thiên lệch, áp đặt đối với Việt Nam - quốc gia đang nỗ lực không ngừng để nâng cao quyền con người trong thực tiễn phát triển. Điều đáng tiếc là thay vì tôn trọng sự khác biệt và thúc đẩy đối thoại xây dựng, báo cáo này lại rơi vào lối mòn quen thuộc, sao chép thông tin một chiều, phớt lờ bối cảnh lịch sử - văn hóa, thậm chí bỏ qua những thành quả được chính các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bức tranh nhân quyền đa chiều đó, Lai Châu - một trong những địa phương còn nhiều khó khăn nhất cả nước lại chính là minh chứng sống động cho tinh thần nhân quyền thực chất, không khẩu hiệu.

EU phê phán Việt Nam vì “hạn chế tự do biểu đạt” hay “kiểm soát truyền thông” nhưng lại không nhìn thấy điều đang diễn ra ở những vùng sâu, vùng xa như Lai Châu, nơi từng dòng tin, từng chính sách đều đến được với người dân qua mạng xã hội, phát thanh địa phương, loa truyền thanh cơ sở. Gần 100% xã, phường tại tỉnh đều có hệ thống truyền thanh không dây; các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt hơn 83% trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Ai đang “bịt miệng” ai, và bịt bằng cách nào? Thay vì cổ xúy cho việc “nói cho đã miệng”, Việt Nam chọn cách khuyến khích người dân “nói có trách nhiệm” và “làm đi đôi với nói”. Chính điều đó tạo nên môi trường ổn định để phát triển, một điều mà nhiều nước phương Tây phải ghen tị.
Nếu muốn biết nhân quyền có thực chất hay không, hãy về Lai Châu. Trong những năm gần đây, Lai Châu đã cho thấy một bước tiến vững chắc trong công cuộc bảo đảm quyền được sống, được phát triển - những giá trị cốt lõi nhất của nhân quyền. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trung bình 3,9%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 16,27% - bước tiến đầy ý nghĩa trong bối cảnh địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ một tỉnh không có đường nhựa lên bản, nay đã có 100% xã có đường ôtô đến trung tâm; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia. Đây không phải phép màu, mà là kết quả của một hệ thống chính trị vận hành hiệu quả vì người dân.
Hơn 320.000 người dân tỉnh Lai Châu hiện được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí; hệ thống bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã đều được đầu tư nâng cấp. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học đạt 100%, tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu số đến lớp tăng rõ rệt. Có nơi như xã vùng cao Mù Cả, tỷ lệ học sinh dân tộc đi học đạt hơn 98%. Nhân quyền không phải là một bài diễn văn, mà là khi một em nhỏ người Mảng, La Hủ biết đọc, biết viết, biết mơ về đại học.
Trong khi EU chỉ trích Việt Nam về “tự do tôn giáo”, thì ở Lai Châu, các tôn giáo lớn nhỏ được công nhận và hoạt động công khai. Tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh có hơn 10% dân số đã theo các tôn giáo, hơn 300 chức sắc, chức việc đang hoạt động ổn định tại các cơ sở tôn giáo. Lễ hội tôn giáo được tổ chức theo đúng nghi lễ, nhiều nơi thuộc khu vực huyện Tam Đường, Phong Thổ (cũ) còn xây dựng mô hình “xã điểm sống tốt đời đẹp đạo”, vận động chức sắc tôn giáo tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế. Điều gì ở đây là “đàn áp” như EU gán ghép? Phải chăng vì Việt Nam không để các tổ chức nước ngoài nhúng tay vào tôn giáo nội địa?
EU lại một lần nữa kêu gọi “thả tù nhân lương tâm” - cụm từ mỹ miều dùng để chỉ các đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, bị xét xử công khai và đúng trình tự. Việc gắn mác “lương tâm” cho những người kích động biểu tình, xuyên tạc sự thật, hay nhận tiền nước ngoài để chống phá Nhà nước là xúc phạm chính lương tâm của hàng triệu người dân đang ngày đêm xây dựng cuộc sống bằng lao động lương thiện. Tại Lai Châu, các thế lực phản động từng lợi dụng tôn giáo và dân tộc để tuyên truyền lôi kéo, nhưng nhờ chính sách dân vận linh hoạt và sự đồng thuận của người dân, các âm mưu đó đã bị đẩy lùi. Không ai bị bắt vì nói thật mà chỉ bị bắt khi sử dụng lời nói để kích động thù hận, phá hoại an ninh quốc gia.
Việt Nam, trong đó có Lai Châu luôn chủ động đối thoại về nhân quyền. Tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa chính quyền và nhân dân từ cấp thôn, bản. Các mô hình “chính quyền thân thiện”, “cán bộ xuống bản” đã trở thành thực tế hằng ngày. Người dân không chỉ được nói, mà còn được lắng nghe, phản hồi và cùng xây dựng chính sách. Vậy tại sao EU không nhìn vào những điều đó, mà chỉ chăm chăm soi mói vài cá nhân “bất mãn nghề nghiệp nhưng đam mê livestream”? Có lẽ vì họ đã quen nhìn nhân quyền qua ống kính chính trị hơn là bằng trái tim con người.
Việt Nam chưa phải là quốc gia giàu có. Lai Châu vẫn là một tỉnh miền núi khó khăn. Nhưng chính tại nơi này, hàng nghìn con người đang được tiếp cận giáo dục, y tế, tín ngưỡng và phát triển sinh kế một cách thực chất. Đây mới chính là biểu hiện của nhân quyền. So sánh với một số quốc gia EU - nơi làn sóng bài ngoại lan rộng, bạo lực sắc tộc gia tăng, tỷ lệ đói nghèo giấu kín sau những tòa nhà kính tráng lệ thì Việt Nam, với tất cả nỗ lực minh bạch và đồng hành cùng người dân, có lẽ lại đang gần với khái niệm “nhân quyền” hơn những gì được viết trên báo cáo.
Báo cáo nhân quyền của EU về Việt Nam năm 2024 một lần nữa thiếu đi tinh thần đối thoại chân thành. Những gì đang diễn ra ở Lai Châu và các tỉnh miền núi Tây Bắc là minh chứng hùng hồn rằng Việt Nam không nói về nhân quyền bằng khẩu hiệu, mà thể hiện nó bằng hành động, bằng từng bước tiến nhỏ vững chắc vì con người.
Nhân quyền không phải là món hàng để mặc cả chính trị. Và cũng không ai có quyền tự cho mình là “trọng tài đạo đức” nếu họ chưa từng đặt chân lên những bản làng vùng cao đầy ắp tiếng cười trẻ thơ và ánh mắt hy vọng của những người dân tin vào một tương lai tốt đẹp hơn.

La Giang

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/nhan-quyen-khong-the-do-bang-thuoc-ngan-cua-eu-1171825