Nhân rộng các hợp tác xã điển hình tiên tiến

Những năm qua, với sự phát triển của các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã góp phần rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều hợp tác xã điển hình tiên tiến được nhân rộng, là những nhân tố giúp nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Thủ đô nói chung.

Mô hình nuôi cá theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) cho hiệu quả kinh tế cao.

Những điển hình

Hợp tác xã Phát triển công nghệ cao Thăng Long (quận Ba Đình) là một trong những hợp tác xã điển hình của Hà Nội về kinh doanh, sản xuất các chế phẩm sinh học và xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ.

Giám đốc Hợp tác xã Phát triển công nghệ cao Thăng Long Lê Ngọc Dân chia sẻ: Để nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, chất lượng cao, hợp tác xã đã tập trung đầu tư sản xuất các chế phẩm sinh học cung ứng cho người sản xuất. Đến nay, hợp tác xã sản xuất chế phẩm sinh học hữu cơ cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố lân cận, đã thuê 15ha đất ở huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) để trồng cam; thuê 5ha đất bãi sông Hồng trồng chuối tiêu hồng (giống Thái Lan) xuất khẩu, thuê 1ha đất ở huyện Hoài Đức nuôi cá chép, năng suất đạt 5 tạ/ha…

Hay như Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) lựa chọn phát triển theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đến nay, hợp tác xã đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá thương phẩm trên diện tích 10ha, doanh thu mỗi năm khoảng 15 tỷ đồng. Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Nguyễn Văn Thiêm cho biết: Từ thành công ban đầu, hợp tác xã đã đầu tư 1.800m2 thử nghiệm nuôi cá mú, bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao.

Đánh giá về hoạt động và vai trò của các hợp tác xã điển hình tiên tiến trên địa bàn thành phố thời gian qua, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho hay, các hợp tác xã điển hình tiên tiến đã và đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế tập thể, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy thành lập mới hợp tác xã. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn thành phố có 2.164 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân (bằng 7,9% tổng số hợp tác xã của cả nước). Trong đó, 1.262 hợp tác xã nông nghiệp, 293 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 23 hợp tác xã xây dựng, 253 hợp tác xã thương mại dịch vụ, 189 hợp tác xã vận tải,… Từ đầu năm 2018 đến nay, đã thành lập mới 315 hợp tác xã, tăng bình quân 105 hợp tác xã/năm.

Có thể khẳng định, Hà Nội là địa phương có số lượng hợp tác xã lớn nhất và là một trong những địa phương có số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới hằng năm nhiều nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Đáng ghi nhận, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã ngày càng được nâng lên. Nhiều mô hình liên kết, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực được hình thành; luôn thực hiện cung ứng dịch vụ phục vụ cho phát triển kinh tế của thành viên. Hiện nay, toàn thành phố có 65% hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt là sự phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, những năm qua, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cơ bản được chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Nhờ sự chuyển đổi đó, các hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện tốt các khâu dịch vụ cho khoảng 200.000ha đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, thành viên toàn thành phố; một số hợp tác xã tổ chức sản xuất hàng hóa, chế biến, tiêu thụ sản phẩm kinh doanh đa ngành có hiệu quả. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã đã tích tụ ruộng đất với quy mô tập trung; một số hợp tác xã ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào sản xuất, quản lý, tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu…

Để các hợp tác xã trở thành “mũi nhọn”

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho biết, mặc dù Hà Nội đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển, đổi mới các hoạt động của hợp tác xã, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển các hợp tác xã chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của nền kinh tế tập thể Thủ đô; các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp. Do đó, để tiếp tục phát huy thế mạnh từ các hợp tác xã, đưa các hợp tác xã trở thành điển hình, “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế tập thể, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi, thành lập mới các hợp tác xã; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, về nguồn vốn…

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, để phát huy thế mạnh từ các hợp tác xã, UBND huyện Ứng Hòa đã xây dựng kế hoạch định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030. Theo đó, huyện Ứng Hòa phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện có 110 hợp tác xã. UBND huyện phối hợp các sở, ngành ban hành chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ vốn; chuyển giao kỹ thuật…

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành thông tin thêm, liên minh sẽ phối hợp với các sở, ngành để xây dựng môi trường pháp lý, hành chính thuận lợi tạo điều kiện cho thành lập mới và phát triển hợp tác xã. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong đăng ký thành lập, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập và quyết định chấp thuận dự án đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, quản trị sản xuất kinh doanh; xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh an toàn, chất lượng, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các hợp tác xã…

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/984073/nhan-rong-cac-hop-tac-xa-dien-hinh-tien-tien