Nhân rộng các hợp tác xã điển hình tiên tiến
Năm 2021, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã lựa chọn được 22 HTX điển hình tiên tiến để tuyên dương, nhân rộng. Các HTX điển hình tiên tiến đại diện cho sự năng động, sáng tạo với những cách làm hay, hiệu quả, tạo sự phát triển bền vững cho kinh tế tập thể, HTX.
Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh đều có kế hoạch hỗ trợ xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến và thành lập mới HTX. Theo đó, HTX được lựa chọn là HTX điển hình tiên tiến phải đáp ứng một số yêu cầu như: Tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ, doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, tuân thủ hoạt động theo Luật HTX năm 2012…
Năm 2021, HTX nông nghiệp Ngọc Lương (Yên Thủy) là 1 trong 22 HTX điển hình tiên tiến của tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, HTX nông nghiệp Ngọc Lương không ngừng lớn mạnh. HTX đã huy động tối đa các nguồn lực, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành viên phát triển kinh tế theo hướng làm dịch vụ, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, tích cực ứng dụng KH-KT vào sản xuất.
Bà Quách Thị Kim Mai, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Lương chia sẻ: HTX chúng tôi luôn xác định công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có vai trò quan trọng quyết định sự thành công và phát triển bền vững của HTX. Do đó, HTX thường xuyên cử thành viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn ngắn, dài hạn. Năm 2020, HTX cử 1 thành viên đi học lớp cao đẳng ngành trồng trọt; cử 2 quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Đến nay, chi bộ HTX có 9 đồng chí. HTX thực hiện cung ứng vật tư nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật cho 6 nhóm hộ trồng bưởi, với 103 hộ, tổng diện tích 30 ha để ký hợp đồng thu mua bưởi quả cho các hộ (tương ứng trên 600 tấn bưởi quả). HTX còn phối hợp Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nhân rộng mô hình chuỗi giá trị sản phẩm cho cây lạc và cây lúa. Hoạt động của HTX đã giúp thành viên nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tại xã vùng cao Hang Kia (Mai Châu), các thành viên HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia đã mạnh dạn đầu tư vốn để làm du lịch cộng đồng kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch. Tất cả tạo thành một chuỗi để thu hút khách du lịch tới khám phá bản sắc văn hóa đồng bào Mông. Anh Giàng A La, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: Để tạo cho khách du lịch có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Mông, HTX tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các nhóm gồm: nhóm làm du lịch cộng đồng; nhóm chuyên sản xuất thổ cẩm, trang phục truyền thống của dân tộc Mông; nhóm sản xuất nông nghiệp sạch. Khi du khách lựa chọn dịch vụ nghỉ dưỡng tại nhóm làm du lịch cộng đồng sẽ được trải nghiệm các dịch vụ như: thăm quan mô hình nông nghiệp hữu cơ, trang trại chăn nuôi, vườn mận, vườn đào của bà con. Ngoài ra, du khách còn được tự tay dệt thổ cẩm để làm quà lưu niệm. Với cách làm như vậy, trung bình mỗi năm HTX đón gần 10.000 lượt khách thăm quan, khám phá, khoảng 50% khách lưu trú; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên dưới 1 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho khoảng 15 lao động, với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/ người/tháng. Sản phẩm du lịch cộng đồng Hang Kia của HTX được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Những kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả của các HTX điển hình tiên tiến được Liên minh HTX tỉnh phối hợp các cơ quan truyền thông truyên truyền, nhân rộng. Các HTX điển hình thể hiện rõ tinh thần tích cực thi đua lao động, sáng tạo của đội ngũ quản lý, thành viên và người lao động. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh cũng chú trọng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ, đất đai để xây dựng những mô hình HTX điển hình tiên tiến; tuyên dương khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên tổ chức, tạo điều kiện cho các HTX đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại các HTX điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh để vận dụng vào sản xuất, kinh doanh.