Nhân rộng các mô hình canh tác lúa tự nhiên, hữu cơ
Tỉnh Quảng Trị đang có nhiều cách làm hiệu quả, liên kết tạo ra các mô hình canh tác lúa tự nhiên, hữu cơ và thích nghi với biến đổi khí hậu để sản xuất ra lúa gạo hướng đến bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
Tỉnh Quảng Trị đang có nhiều cách làm hiệu quả, liên kết tạo ra các mô hình canh tác lúa tự nhiên, hữu cơ và thích nghi với biến đổi khí hậu để sản xuất ra lúa gạo hướng đến bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
Công nghệ phù hợp, thân thiện môi trường
Ông Ðào Văn Ðức, Trưởng Dự án Koica - Tầm nhìn thế giới tại tỉnh Quảng Trị cho biết, mô hình canh tác tự nhiên (CTTN) ở huyện Triệu Phong ban đầu chỉ có 20 hộ nông dân tham gia trồng lúa trên diện tích ba héc-ta, đến nay sau 5 năm đã có gần 300 hộ với gần 50 ha, năng suất tăng lên 5,5 tấn/ha. Phương thức CTTN làm cho ruộng đồng ngày càng tươi tốt, hệ sinh thái dần được phục hồi. Ðược sự giúp đỡ của chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc, dự án đã hoàn thành quy trình kỹ thuật CTTN trên bốn loại cây, con chủ lực gồm lúa, rau, lợn và gà. Quy trình kỹ thuật này rất cần thiết để sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường cùng nhiều đặc tính ưu việt như: không sử dụng hóa chất diệt cỏ; không phun thuốc trừ sâu và không sử dụng phân bón hóa học. Thuốc trị các bệnh trên cây, con được chế xuất từ các sản phẩm nông nghiệp như cây tỏi, ớt, gừng; chỉ sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng. Mô hình đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ từ sản xuất, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm. Trong bốn loại cây, con chủ lực nêu trên, cây lúa được quan tâm nhất, đã tạo ra sản phẩm gạo mang thương hiệu "Gạo sạch Triệu Phong" nhận được sự chú ý của thị trường trong nước và nước ngoài. Mới đây, quy trình CTTN tại Triệu Phong đã đạt giải nhất tại Hội nghị quốc tế về các công nghệ phù hợp, thân thiện với môi trường và vì cộng đồng được tổ chức tại Hàn Quốc. "Gạo sạch Triệu Phong" cũng vừa được cấp chứng nhận chất lượng hữu cơ Việt Nam. Hiểu được giá trị của việc CTTN cho nên ở huyện Triệu Phong ngày càng có nhiều nông dân đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất sử dụng phân bón vô cơ để chuyển sang CTTN tạo nên những sản phẩm sạch an toàn cho gia đình và xã hội.
Một mô hình sản xuất lúa hữu cơ nữa được Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị triển khai cách đây 5 năm theo công nghệ phân bón Ong Biển để sản xuất ra hạt gạo có thương hiệu "Gạo hữu cơ Quảng Trị" đang được người tiêu dùng vui mừng đón nhận. Giám đốc Công ty cổ phẩn Nông sản hữu cơ Quảng Trị Phạm Diễm Lệ cho biết, vụ hè thu năm 2020 là vụ thứ 10 công ty liên kết cùng nông dân Quảng Trị sản xuất lúa hữu cơ theo công nghệ phân bón Ong Biển với phương thức công ty hỗ trợ không hoàn lại toàn bộ phân bón Ong Biển và giống lúa chất lượng cao cũng như kỹ thuật cho người dân tham gia sản xuất. Ðến mùa thu hoạch, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm tại ruộng và trả tiền ngay cho bà con nông dân với giá hơn 6.000 đồng/kg lúa tươi, cao hơn giá thị trường 20%. Sau 5 năm liên kết với nông dân Quảng Trị, tổng diện tích lúa hữu cơ được công ty triển khai thực hiện trên 1.200 ha. Bà Lệ cho biết, sắp tới diện tích sản xuất lúa hữu cơ sẽ tiếp tục tăng lên. Hiện công ty đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến nông sản hữu cơ tại Quảng Trị để thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm.
Nằm trong chủ trương phát triển lúa gạo hữu cơ, thân thiện môi trường, mấy năm nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Trị triển khai thực hiện hợp phần "Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu" (CSA) của dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu ích sử dụng nước, thu nhập cho nông dân và giảm tính dễ tổn thương với các tác động bất lợi của thiên tai. Thông qua các mô hình CSA trồng lúa, ngô, đậu, nhiều nhất vẫn là cây lúa, người dân được hưởng lợi trên cả ba mặt về kinh tế, xã hội và môi trường. Về môi trường, thông qua kết quả đo lượng phát thải khí nhà kính (CH4, N2O và CO2) ở mô hình CSA tại thôn Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh vụ hè thu năm 2018 cho thấy khi áp dụng các biện pháp canh tác theo mô hình CSA thì tổng phát thải giảm từ 1,56 kg CO2/kg thóc ở ruộng đại trà xuống còn 0,9 kg CO2/kg thóc ở ruộng mô hình. Ðến nay diện tích thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt 5.600 ha. Nhiều nông dân cho biết việc áp dụng các quy trình kỹ thuật thực hành CSA khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. Qua sản xuất, Sở NN và PTNT Quảng Trị đã xây dựng được Bộ quy trình kỹ thuật thực hành CSA cho các đối tượng cây trồng (lúa, đậu, ngô) cũng như xây dựng được Bộ tiêu chí nhân rộng mô hình, đây là cẩm nang cho cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở để quy hoạch vùng, lựa chọn vùng tập trung để phổ biến thực hiện CSA.
Nhân rộng mô hình để phát triển
5 năm trước khi mô hình CTTN mới ra đời ở huyện Triệu Phong, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã về tận nơi thăm động viên nông dân cùng những người quản lý dự án. Ðồng chí lưu ý cán bộ kỹ thuật và nông dân cần học hỏi, rút kinh nghiệm từ những thành công cũng như những thất bại để có những bài học thực tiễn quan trọng trong sản xuất. Mô hình CTTN chính là dưỡng đất, dưỡng cây, nuôi dưỡng sức khỏe con người. Ðồng chí mong muốn mô hình được nhân rộng hơn nữa. Ðể làm được những việc này cần có sự liên kết của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học về kinh phí đầu tư ban đầu, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm để người nông dân có nhiều niềm vui trên chính cánh đồng của mình. Từ đó nhiều địa phương đưa việc sản xuất lúa hữu cơ, nông sản hữu cơ vào nghị quyết để phấn đấu thực hiện, góp sức đưa Quảng Trị trở thành điểm sáng trong sản xuất lúa hữu cơ.
Càng đi vào thực tế sản xuất thì sự chuyển dịch trong ý thức của nông dân Quảng Trị càng thay đổi, mạnh dạn đổi mới trong việc tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường. Một loạt điển hình nông dân, nhóm hộ nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất lớn ở các địa phương đã nói lên tầm nhìn mở rộng của nông dân hiện đại. Ðó là những người thấy xa hiểu rộng, dám làm những gì khác với truyền thống, là những thuận lợi lớn để tỉnh Quảng Trị tiếp tục đưa việc sản xuất lúa hữu cơ vào nghị quyết (Nghị quyết 03/2017/NQ-HÐND tỉnh) giành được nhiều thắng lợi trên mặt trận sản xuất nông nghiệp.
Tổng kết thành tựu nông nghiệp, nhất là sản xuất mặt hàng lúa gạo giai đoạn 2015-2020, đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, liên kết sản xuất lúa theo phương pháp CTTN, hữu cơ và thích nghi biến đổi khí hậu là điểm nhấn nổi bật trong thời gian qua. Các mô hình này thật sự là những ngôi sao sáng của làng lúa hữu cơ Việt Nam. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã đưa thành tựu này vào Báo cáo Chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới theo hướng tiếp tục nhân rộng, lan tỏa hơn nữa cách làm hay, ý nghĩa nhằm tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, hướng phát triển được tiến hành với phương thức nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân liên kết tổ chức sản xuất hợp lý. Chú trọng phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, người nông dân sản xuất trên đất đai của mình. Như vậy, người nông dân sẽ không bị mất đất, mà đất của họ trong các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún tạo thành cánh đồng lớn, được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật, có đường giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển cây trồng, sản phẩm đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng. Phát triển sản xuất theo hướng này, thu nhập của nông dân cao hơn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng có thu nhập ổn định hơn, nên sẽ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, trong thời gian tới, Quảng Trị vẫn phải lấy nông nghiệp làm bệ phóng để phát triển. Do đó, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa; phát triển các hình thức liên kết hợp tác gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tỉnh quyết tâm đạt được diện tích lúa chất lượng cao bình quân hằng năm hơn 80% tổng diện tích gieo trồng, trong đó sản xuất theo cánh đồng lớn áp dụng quy trình hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm, có chứng nhận đạt từ 11 nghìn đến 12 nghìn héc-ta.
PGS, TS Trần Ðăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm sinh lý thực vật và hóa sinh (Ðại học Hiroshima, Nhật Bản) cùng các nhà khoa học Nhật Bản đã xét nghiệm các chỉ tiêu và khẳng định, gạo hữu cơ sản xuất theo công nghệ phân bón Ong Biển tại Quảng Trị đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, so sánh với các sản phẩm lúa gạo ở Nhật Bản, thành phần hợp chất Momilactone A được tìm thấy cao gấp 100 lần và Momilactone B gấp 50 lần.