Nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ tại huyện Châu Phú
Hướng đến mục tiêu chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho hội viên, phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đã xây dựng các mô hình phụ nữ giúp nhau, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Qua đó, giúp lan tỏa truyền thống 'Tương thân tương ái' trong cộng đồng và góp phần vào công tác chăm lo an sinh xã hội.
Được thành lập từ ngày 24/4 tại thị trấn Cái Dầu, qua 5 tháng hoạt động, mô hình “Tổ phụ nữ thu gom phế liệu san sẻ yêu thương” đã mang lại hiệu quả tích cực và lan tỏa đến các xã: Mỹ Đức, Bình Long, Bình Mỹ, Bình Chánh (huyện Châu Phú).
Thông qua mô hình không chỉ tác động đến ý thức của từng hội viên phụ nữ trong việc thực hiện phân loại rác thải làm sạch môi trường, mà còn phát động người dân thu gom phế liệu tạo nguồn thu để hỗ trợ khó khăn đột xuất, mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tặng hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hoặc mua đồ dùng học tập tặng con của hội viên phụ nữ nghèo. Điều đáng phấn khởi là ngay khi mô hình vừa thành lập đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ cán bộ, hội viên và người dân.
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Phú Phan Thị Xuân Mai cho biết: “Khi mới ra mắt mô hình, Hội LHPN thị trấn Cái Dầu đã tổ chức ra quân thu gom phế liệu ở các hộ gia đình, nhặt chai nhựa bị vứt ở các tuyến kênh, tuyến đường trên địa bàn thị trấn. Có nhiều hội viên không ngại vất vả, vừa nhiệt tình tích lũy chai nhựa đã qua sử dụng tại gia đình, vừa đi nhặt vỏ chai nhựa mang về tập kết tại điểm thu gom. Nhận thấy ý nghĩa mô hình mang lại, nhiều người dân đã tự nguyện mang phế liệu đến ủng hộ, thậm chí còn gửi tiền mặt hỗ trợ thêm cho nguồn quỹ của mô hình”. Từ nguồn kinh phí bán phế liệu thu được, Hội LHPN thị trấn Cái Dầu đã hỗ trợ thẻ BHYT cho 3 hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tiền mặt cho các hội viên bị bệnh hoặc có con bị bệnh nằm viện điều trị…”.
Không chỉ quan tâm chăm lo, hỗ trợ khó khăn đột xuất đối với hội viên, phụ nữ, hội LHPN các cấp huyện Châu Phú còn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Nuôi heo tiết kiệm tham gia BHYT - bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện” trong lực lượng hội viên và mở rộng đến Nhân dân.
Tính đến nay, toàn huyện Châu Phú đã thành lập được 26 tổ phụ nữ “Nuôi heo tiết kiệm tham gia BHYT - BHXH tự nguyện”, có khoảng 100 hội viên tham gia BHXH tự nguyện và 472 người tham gia BHYT hộ gia đình. Khi tham gia mô hình, mỗi hội viên sẽ tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hàng ngày bỏ vào heo đất, số tiền này được chị em dùng để đóng BHXH tự nguyện tương ứng với mức đóng phù hợp do bản thân lựa chọn và mua BHYT cho bản thân, gia đình.
Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về các chủ trương, chính sách BHXH tự nguyện, Hội LHPN huyện Châu Phú và các xã, thị trấn đã tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, với nội dung phù hợp từng nhóm đối tượng, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách BHXH tự nguyện và góp phần tăng độ bao phủ BHXH, BHYT đối với hội viên phụ nữ và gia đình.
Bà Phan Thị Xuân Mai cho biết, trong quá trình thực hiện công tác hội, hội LHPN các cấp huyện Châu Phú còn quan tâm vận động hội viên, phụ nữ, Nhân dân góp sức vào các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới thông qua phong trào “Chống rác thải nhựa” gắn với cuộc vận động phụ nữ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Theo đó, có nhiều mô hình đã được xây dựng, phát động phù hợp từng nhóm đối tượng. Đối với các doanh nghiệp do nữ làm chủ hoặc quản lý, các cấp hội tuyên truyền nâng cao ý thức về giảm thiểu sử dụng túi ny-lon, hộp nhựa dùng một lần trong sản xuất - kinh doanh, tăng cường tái sử dụng túi ny-lon, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đối với phụ nữ tiểu thương, phụ nữ nội trợ, Hội LHPN huyện phát động Hội LHPN các xã, thị trấn nhân rộng các mô hình: “Phụ nữ tiểu thương”, “Phân phối sản phẩm thân thiện môi trường”, “Phụ nữ đi chợ cùng giỏ thân thiện môi trường”, “Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”.
Để các mô hình góp phần bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả, thông qua các buổi sinh hoạt, cán bộ Hội LHPN huyện và các xã, thị trấn đã tuyên truyền để hội viên, phụ nữ và người dân nhận định rõ đâu là rác thải vô cơ, đâu là rác hữu cơ, cũng như thông tin về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn hỗ trợ nhiều thùng rác lớn bố trí nơi công cộng tại địa bàn xã Thạnh Mỹ Tây. Thông qua các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường đã giúp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của hội viên phụ nữ và người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ, làm sạch môi trường, góp phần thực hiện hoàn thành các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.