Nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả

Hướng tới phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, huyện Mai Sơn tích cực triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX thực hiện sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ, đem lại đa lợi ích cho người sản xuất, người tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường.

Mô hình trồng thanh long theo hướng hữu cơ của nông dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn.

Mô hình trồng thanh long theo hướng hữu cơ của nông dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn.

Giai đoạn 2019-2020, thực hiện chính sách của tỉnh về hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh, huyện Mai Sơn đã hỗ trợ triển khai 7 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đối với các sản phẩm nông sản điển hình ở địa phương, gồm: Xoài, bưởi, thanh long, na, chanh leo, rau, nuôi lợn, quy mô thực hiện 30 ha cây trồng và chăn nuôi lợn 60 con/năm, với tổng kinh phí hơn 12,7 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 5,7 tỷ đồng, vốn còn lại do các doanh nghiệp, HTX đối ứng. Đồng thời, hỗ trợ 400 triệu đồng cho 20 HTX thực hiện mô hình ủ 2.000 tấn phân hữu cơ.

Đến nay, sản phẩm thanh long của HTX Ngọc Hoàng đã được cấp chứng nhận sản phẩm chuyển đổi sang canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn; sản phẩm rau của Công ty bông và ứng dụng công nghệ cao và thịt lợn của Công ty cổ phần Trường Giang được chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ. Các sản phẩm bưởi, xoài, na, chanh leo được cấp chứng nhận sản phẩm chuyển đổi năm thứ nhất phù hợp với yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

Là một trong những HTX đầu tiên của được huyện được chọn triển khai thí điểm mô hình đầu tiên về phát triển nông nghiệp hữu cơ, HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó hiện đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng thanh long sang sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, các thành viên áp dụng công nghệ tưới phun tự động có kiểm soát, lắp camera giám sát theo dõi quy trình chăm sóc, thu hái và có nhật ký ghi rõ việc và hình ảnh đi kèm. Nói không với các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, HTX chủ yếu sử dụng các loại phân bón sinh học chăm sóc cây trồng, đảm bảo định lượng, thời gian cách ly. Tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp đa dạng ở địa phương, thực hiện ủ phân từ men vi sinh vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường.

Mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Hiện, HTX có 70 trồng thanh long và liên kết sản xuất 40 ha với một số HTX trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thuận Châu, toàn bộ diện tích này được áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2021, HTX đã thu mua, tiêu thụ gần 2.400 tấn thanh long, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga, siêu thị trong nước và các chợ đầu mối, giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt 36 tỷ đồng.

Hộ thành viên Đỗ Nhanh Nhất, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng đạt những dấu ấn nổi bật trong thực hiện sản xuất hữu cơ. Chỉ với 4.000 m² đất trồng thành long, năm 2021 sản lượng đạt tới 30 tấn, tương đương với sản lượng ở những vườn thanh long 1ha. Ông Nhất chia sẻ: Trồng, chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ tuy vất vả hơn, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nhiều, năng suất gấp 3 lần so với phương thức canh tác cũ. Vườn thanh long của gia đình giá trị trung bình đạt tới hàng tỷ đồng/ha.

Trong năm 2021, huyện Mai Sơn còn triển khai mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ được thực hiện tại các 4 xã, với 884 hộ tham gia sản xuất trên 100 ha, Nhà nước hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng, người dân tham gia mô hình đối ứng trên 770 triệu đồng. Sau năm đầu tiên thực hiện, mô hình trồng lúa hữu cơ được đánh giá cao, dần thay đổi thói quen sản xuất của nông dân, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp cải tiến, sử dụng phân hữu cơ trong chăm sóc lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng bệnh, đã đem lại hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Là một trong những HTX tham gia mô hình, HTX tan nhe Noong Ten, xã Mường Chanh trồng 1,4 ha giống nếp tan nhe địa phương. Ông Hoàng Văn Hoa, Giám đốc HTX, chia sẻ: Sản xuất theo hướng hữu cơ, các thành viên HTX đã được hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, cây lúa khỏe mạnh hơn, ít sâu bệnh hại. So với mùa vụ trước, năng suất trung bình đạt 5,2 tấn/ha, cao hơn 0,2 tấn/ha, dù năng suất cao hơn chưa đáng kể nhưng đất đai được cải thiện rõ rệt, tiết kiệm chi phí, tạo sản phẩm chất lượng cao, an toàn.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Qua xây dựng các mô hình hữu cơ của tỉnh, huyện triển khai đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn huyện đã có 800 ha diện tích trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ.

Với những ưu điểm vượt trội, góp phần hạn chế tình trạng thoái hóa đất, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, đảm bảo hệ sinh thái bền vững…, những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Mai Sơn đã khẳng định hiệu quả và tính bền vững, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhan-rong-cac-mo-hinh-nong-nghiep-huu-co-hieu-qua-47637