Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất hữu cơ là hướng phát triển của nhiều địa phương nhằm xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ít gây tác động xấu cho môi trường.

Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đưa ra thị trường những sản phẩm ngon, sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Người dân chăm sóc rau hữu cơ tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn

Người dân chăm sóc rau hữu cơ tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn

“Chìa khóa” của nền nông nghiệp hiện đại

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ liên kết chính là “chìa khóa” giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai) Bùi Thị Hạnh Hiếu, hiện công ty đang liên kết với nông dân trong sản xuất lúa gạo khoảng 20.000ha, trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố để xây dựng các vùng nguyên liệu hữu cơ phục vụ chế biến sâu. Nhờ liên kết chuỗi trong sản xuất lúa hữu cơ, sản phẩm của công ty bảo đảm chất lượng, có mặt ở hầu hết các siêu thị trên địa bàn cả nước.

Huyện Sóc Sơn có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ; chăn nuôi lợn sinh học; trồng nấm… Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Thắng cho biết, với gần 2ha rau hữu cơ, hợp tác xã đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản rau hữu cơ, rau VietGAP. Hợp tác xã áp dụng tiêu chuẩn “5 không” (không phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích); đồng thời, hướng dẫn nông dân tự ủ những mẻ phân hữu cơ để phục vụ cho việc canh tác rau màu. Nhờ vào chất lượng sản phẩm, rau hữu cơ của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, giá cao hơn 10-15% so với sản xuất rau truyền thống.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương, toàn thành phố hiện có 2.000ha trồng trọt hữu cơ và 10,1ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại. Thời gian qua, trung tâm tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình khuyến nông VietGAP và theo hướng hữu cơ làm tiền đề để sau 3-5 năm sẽ xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn, chất lượng cao. “Các hộ dân được cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, nâng cao năng lực canh tác cho nông dân, tăng hiệu quả đơn vị diện tích trên đồng ruộng”, bà Vũ Thị Hương cho hay.

Hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn gặp không ít khó khăn, do thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ còn bấp bênh, chưa khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ còn cao, trong khi nông dân vẫn mang nặng tư duy sản xuất nông nghiệp theo lối cũ… cũng là một rào cản khiến không ít người thiếu mặn mà với mô hình sản xuất này. Do đó, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các hợp tác xã về quy chuẩn, chất lượng để xây dựng vùng sản xuất; đồng thời liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, kiểm soát chất lượng và bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo chuỗi khép kín.

Để nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, huyện lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của địa phương, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại. Cùng với đó là kiểm soát tốt các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng, hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị cao, bền vững, thân thiện với môi trường. Huyện Sóc Sơn xác định hỗ trợ tối đa các đơn vị sản xuất công nghệ cao, hữu cơ từ khâu tổ chức sản xuất đến quảng bá thương hiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Sở sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng.

“Ngành Nông nghiệp hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm ưu thế cạnh tranh trên thị trường; gắn xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm - để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng internet quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu”, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhan-rong-cac-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-673882.html