Nhân rộng các mô hình 'trên cây trái, dưới ốc nhồi'
Từ những khu ruộng trũng, đất nông nghiệp để hoang hóa, nhiều nông dân đã mạnh dạn đấu thầu hoặc thuê lại để phát triển các mô hình nuôi ốc nhồi và trồng cây ăn quả. Những mô hình phát triển kinh tế tổng hợp mới này đã cho thấy hiệu quả ở nhiều huyện trong tỉnh, mở ra hướng phát triển kinh tế mới để khơi dậy tiềm năng quỹ đất.
Khu trang trại “trên cây trái, dưới ốc nhồi” của anh Lê Đức Toàn, thôn 1, xã Vân Sơn (Triệu Sơn).
Không chỉ ở những vùng ruộng trũng, đồng chiêm, mà ngay trên vùng đồi bán sơn địa ở xã Xuân Du (Như Thanh), những mô hình trồng đào kết hợp nuôi ốc nhồi ngày càng được nhiều hộ nhân rộng. Tại thôn 9 của xã, gia đình ông Trần Văn Vũ có hơn 3.000m2 đất vườn đồi thoai thoải, từ nhiều năm trước gia đình đã trồng đào cảnh nhưng thân đất cao nên khó khăn trong khâu bơm nước tưới cây. Những vụ gần đây, ông cho máy xúc cải tạo, đào các ao rộng 1,5m chạy ngang khu vườn. Đất trồng từng hàng đào giữa các ao được tôn cao chống ngập úng, các ao chứa nước quanh năm nên dễ dàng dùng máy bơm nhỏ để tưới cho cây vào mùa khô. Tận dụng nguồn nước giữa các ao, ông cho thả ốc nhồi, mỗi năm có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng. Do trồng đào thế và mua gốc đào cổ thụ từ tỉnh Sơn La về ương trồng nên có giá trị cao. 2 đợt Tết Nguyên đán gần đây, riêng tiền đào cảnh bán ra đã đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, tất cả lợi nhuận toàn khu vườn đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo ông, đây là mô hình tối ưu ở vùng đất bán sơn địa, bởi cây đào cho giá trị cao, nay đào ao nuôi ốc dọc các luống đào nên chủ động được nước tưới, lại có thêm nguồn thu.
Tương tự, tại thôn 1, xã Vân Sơn (Triệu Sơn), trang trại tổng hợp trên cây trái, dưới ốc nhồi của anh Lê Đức Toàn đang trở thành mô hình kinh tế điển hình của huyện. Bước sang năm thứ tư đầu tư, mô hình mới ở địa phương đã cho thu nhập ổn định. Hơn 1.000 cây cảnh bon sai và đào cảnh chạy dọc giữa những con mương nhân tạo thả kín ốc. Bằng mắt thường cũng dễ dàng cảm nhận ốc được nuôi dày đen kín mặt nước, dùng vợt vớt một mẻ đã lên hàng kg. Anh Toàn khẳng định, “ốc nhồi là loài dễ nuôi nhất, chưa hề thấy có dịch bệnh, chúng cũng không gây ô nhiễm nguồn nước. Các loại rau màu, cây cỏ ném xuống đều trở thành thức ăn cho ốc mà không mất tiền mua. Trên các ao có thể trồng bầu mướp, su su quanh năm để che mát cho ốc, lại có thêm thu nhập”. Nhìn từ xa, một khu sản xuất xanh mát bởi vừa có cây, vừa có các ao nước điều hòa, không gây ô nhiễm môi trường như các trang trại chăn nuôi khác.
Tại xã Tế Thắng (Nông Cống), sau nhiều năm buôn ba, rồi kinh qua nhiều nghề để kiếm sống, anh Nguyễn Bá Tâm cũng trở về quê hình thành khu nuôi ốc nhồi. Quyết định này được anh nung nấu sau khi đi tham quan nhiều mô hình tương tự ở các tỉnh trong những năm gần đây. Tại khu đất cỏ mọc um tùm ven làng, anh đã thuê máy xúc đào thành những ao nhỏ chạy dài với tổng diện tích 2.500m2 để nuôi ốc. Phần bờ giữa các ao được đổ đất cao để trồng các hàng cây ăn quả, rau màu. Thức ăn cho ốc chủ yếu là rau màu và bầu mướp tự canh tác nên hầu như không tốn kinh phí. Ngoài nhân đẻ để bán ốc giống, những vụ gần đây, anh đều thu hoạch 2 tấn ốc thương phẩm, lợi nhuận trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm. Nhiều mô hình tương tự cũng đang được manh nha phát triển trong vùng, bởi ốc nhồi hiện có đầu ra rộng mở, lại không áp lực thu hoạch theo lứa.
Thời gian gần đây, huyện Quảng Xương là địa phương phát triển mới nhiều mô hình nuôi ốc nhồi, trong đó một doanh nghiệp đã tập hợp được 20 chủ hộ nuôi thành chuỗi liên kết để cung ứng sản phẩm bền vững. Các mô hình nuôi ốc ở các xã Quảng Trạch, Quảng Long, Quảng Hợp, Quảng Văn... đa phần đều kết hợp trồng cây trái kết hợp quanh các ao nuôi. Tại mô hình nuôi ốc nhồi lớn nhất tỉnh ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương), chủ trang trại Bùi Văn Hải cũng khéo léo bố trí các hàng đu đủ, cây cảnh, cây ăn quả đủ loại quanh các ao nuôi. Có thể kể ra hàng chục ví dụ khác tại nhiều nơi như: phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy), nhiều xã của vùng trũng huyện Hà Trung...
Tổng hợp chưa đầy đủ từ Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 50 mô hình nuôi ốc nhồi từ 0,2 đến 2 ha, chưa kể các mô hình tận dụng nuôi nhỏ lẻ chưa được thống kê cụ thể. Các vùng trũng thấp của tỉnh như Hà Trung, Quảng Xương, Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn... còn nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi ốc nhồi. Qua khảo sát ở các địa phương, các mô hình đa phần đều kết hợp trồng cây trái xung quanh để che mát. Chỉ một số ít nuôi theo hướng công nghiệp ở các ao lớn, còn đa phần là đào các mương hoặc ao nhỏ chạy dọc các khu đất vừa kết hợp nuôi ốc, vừa trồng cây. Phần lớn trong số đó đều là những mô hình kinh tế tận dụng được quỹ đất hoang hóa hoặc sản xuất kém hiệu quả ở các địa phương. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi trên thị trường khá lớn, nhiều cơ sở đã đóng thùng xốp đưa đi Hà Nội, vào tận các tỉnh phía Nam.