Nhân rộng các mô hình tự quản tại khu dân cư
Phát huy vai trò tự quản tại khu dân cư, Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Yên Châu đã đẩy mạnh vận động xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản ở cộng đồng; góp phần giữ vững an ninh trật tự, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Yên Châu có gần 57km đường biên giới tiếp giáp nước CHDCND Lào. Thời gian qua, mô hình tự quản đường biên, cột mốc được nhân dân các xã biên giới tích cực hưởng ứng. Tại bản Nà Cài, xã Chiềng On, mỗi lần đi làm nương hoặc chăn thả gia súc ở khu vực giáp biên, bà con lại dành thời gian phát quang cây cỏ, dọn dẹp quanh các cột mốc.
Ông Vì Văn Chiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, Tổ trưởng tổ tự quản an ninh trật tự bảo vệ đường biên, cột mốc bản Nà Cài, cho biết: Tổ được thành lập năm 2015, gồm 20 thành viên, sinh hoạt mỗi tháng một lần; các thành viên tự nguyện luân phiên tham gia tuần tra cùng với các chiến sĩ Đồn biên phòng Chiềng On, dọn dẹp, phát quang đường biên, cột mốc và vận động người dân thực hiện nghiêm quy chế biên giới, không vượt biên trái phép, không xâm canh, xâm cư sang nước bạn.
Thiếu tá Nguyễn Chí Hiếu, Đồn trưởng Đồn biên phòng Chiềng On, chia sẻ: Trước đây, trên địa bàn thường xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư, chăn thả gia súc phá hoại hoa màu của nhau. Từ khi thành lập tổ tự quản tại các bản đã góp phần giữ vững trật tự khu vực biên giới, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép; bảo vệ đường biên, mốc quốc giới nguyên trạng.
Còn tại xã Chiềng Đông, từ yêu cầu thực tế bảo đảm về an ninh trật tự, bảo vệ vùng nguyên liệu mía, mô hình “Tổ mía tự phòng, tự quản về an ninh trật tự” đã được thành lập, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông, cho biết: Xã có 12 bản, gần 1.950 hộ. Hiện nay, bà con trồng trên 1.270ha mía nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Tháng 10/2022, xã đã thành lập 82 “Tổ mía tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, với 1.115 thành viên; các tổ hoạt động theo thời gian của vụ thu hoạch mía và hoạt động trên tinh thần tự nguyện, luân phiên tham gia cùng công an viên tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, các thành viên đổi công, giúp nhau trồng, thu hoạch mía.
Chị Quàng Thị Thúy, thành viên tổ mía số 1, bản Đông Tấu, xã Chiềng Đông, chia sẻ: Bên cạnh được hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch mía, gia đình còn được tuyên truyền các quy định của pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, tố giác tội phạm tại các buổi sinh hoạt. Tham gia tổ mía, các hộ gia đình trong bản luôn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; qua đó, hạn chế những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, ảnh hưởng an ninh trật tự.
Đối với xã Chiềng Khoi, được đánh giá là cơ sở thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của huyện. Đạt được kết quả này có đóng góp không nhỏ của các cấp hội phụ nữ trong thực hiện mô hình “Tuyến đường phụ nữ tự quản”. Chị Mè Thị Điện, Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Khoi, cho biết: Xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, các chị em trong tổ liên gia tự quản tích cực tham gia quét dọn tuyến đường sạch đẹp, khang trang; phân công từng hộ chăm sóc cây xanh; chủ động vệ sinh khu vực cổng nhà, thu gom rác và đổ rác đúng nơi quy định. Đến nay, đã xây dựng được 10 mô hình “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, gắn với tổ chức “Ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp” quét dọn, vệ sinh đường vào các bản, khuôn viên nhà văn hóa, khơi thông cống rãnh, chăm sóc các tuyến đường hoa theo từng tổ, nhóm.
Các mô hình tự quản trên địa bàn huyện Yên Châu hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, đã mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo người dân tham gia. Bà Thào Thị Mai Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Yên Châu, cho biết: Đến nay, huyện đã thành lập được hàng trăm tổ tự quản trên nhiều lĩnh vực. Nhiều mô hình tự quản đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Các tổ tự quản đều duy trì hoạt động thường xuyên với những cách làm cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng khu dân cư và nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ; tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; thực hiện nếp sống văn hóa; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đóng góp và giám sát xây dựng các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa tại bản, khu dân cư.
Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản ở huyện Yên Châu đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.