Nhân rộng các sáng kiến kỹ thuật

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh vừa tổ chức hội thảo phổ biến một số sáng kiến kỹ thuật của hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật cho các sở, ngành, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH-KT) tỉnh vừa tổ chức hội thảo phổ biến một số sáng kiến kỹ thuật của hội thi Sáng tạo KH-KT cho các sở, ngành, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh.

Các sản phẩm được giới thiệu của các tác giả, nhóm tác giả thuộc nhiều thành phần khác nhau, nhưng lĩnh vực được nhiều đại biểu quan tâm nhất là cơ khí và nông nghiệp. Đa số các sản phẩm ở lĩnh vực này đều thể hiện được tính sáng tạo, ứng dụng thực tế trong sản xuất, chăn nuôi, đem lại hiệu quả thiết thực và có khả năng nhân rộng.

 Ông Võ Văn Được chăm sóc đàn vịt.

Ông Võ Văn Được chăm sóc đàn vịt.

Ông Võ Văn Được (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) - tác giả sản phẩm “Nuôi vịt đồi cát kết hợp nghe nhạc đạt hiệu quả cao” cho biết, không phải ngẫu nhiên gia đình ông đầu tư nuôi vịt với số lượng lớn trên đồi cát, trong khi vịt là loài thủy cầm nuôi dưới nước. Trước khi nuôi, ông đã nghiên cứu khá kỹ, từ khâu làm chuồng trại, thức ăn, cách chăm sóc cho đến thị trường tiêu thụ. Sau thời gian nuôi, vịt thích nghi tốt, đặc biệt người dân rất thích ăn loại vịt nuôi trên đồi cát. Thấy hiệu quả, hàng năm, gia đình ông đều nuôi tăng lên và đến nay đã có đàn vịt 6.000 con. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình ông xuất bán từ 50 - 100 con vịt thương phẩm, thu được 5 - 7 triệu đồng. Nói về việc nuôi vịt kết hợp nghe nhạc, ông Được kể, một lần tình cờ đang cho vịt ăn, ông mở nhạc bằng điện thoại, thấy đàn vịt chú ý đến tiếng nhạc phát ra. Từ đó, mỗi lần cho vịt ăn, ông đều mở nhạc và theo dõi phản ứng của vịt. Ông thấy tiếng nhạc kích thích vịt ăn nhiều hơn nên lớn nhanh hơn trước, rút ngắn thời gian xuất bán. Trước đây, nuôi một con vịt mất từ 3,5 - 4 tháng, nay chỉ từ 2,5 - 3 tháng có thể xuất bán, trọng lượng bình quân 2,5kg/con, trừ chi phí ông lãi khoảng 35.000 đồng/con. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi gần 1 tỷ đồng.

Với sản phẩm “Máy cày tay một bánh”, tác giả Nguyễn Thí (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm) cho biết, gia đình ông chủ yếu làm nông nghiệp, trồng các loại cây: mì, mía, xoài… Vào mùa vụ, ông thường dùng bò để cày đất. Tuy nhiên, bò cày chậm và không cày hết cuối rãnh, phải sử dụng nhiều nhân công, tốn chi phí sản xuất. Từ thực tế đó, ông tìm hiểu thông tin và bắt tay vào nghiên cứu. Ông tận dụng những vật liệu sẵn có, dễ mua tại địa phương như: máy nổ hiệu Honda, nhông chuyền, bánh máy cày, ốc tăng, giảm, dây sên, lưỡi cày... lắp ráp thành chiếc máy cày một bánh với các chức năng cày rãnh, xốc hàng, làm cỏ… Chi phí lắp ráp một chiếc máy cày một bánh có giá khoảng 10 triệu đồng. Máy cày nhanh gấp 2,5 lần so với bò cày; đặc biệt cày xong chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, không phải mất công chăm sóc như nuôi bò cày. Ông không chỉ sử dụng máy để cày đất cho gia đình mà còn giúp các hộ dân lân cận.

Chia sẻ về sản phẩm “Cải tiến kỹ thuật nuôi kỳ tôm bằng thức ăn rau quả chín”, tác giả Đinh Văn Hiệp (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) cho biết, kỳ tôm là loài bò sát sống hoang dã trong tự nhiên nên thích ăn các loại như: trứng dế, giun đất, sâu non, cá, tôm, thằn lằn… làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, chi phí đầu tư cao. Chưa kể, môi trường nuôi bán tự nhiên nên khâu vệ sinh cho kỳ tôm hạn chế, ao nước không sạch, kỳ tôm thường bị viêm mắt, thất thoát lớn, ít hiệu quả. Từ hạn chế đó, ông chuyển từ nuôi bán tự nhiên sang đầu tư xây chuồng và cải tiến nuôi bằng thức ăn rau quả nấu chín. Ông dùng các loại rau, củ, quả như: Bầu, bí đỏ, cà, đu đủ, su hào, dưa leo, mướp phối trộn thêm phổi heo nấu chín làm thức ăn cho kỳ tôm. Ưu điểm của phương pháp này là kỳ tôm chóng lớn, hạn chế dịch bệnh, thức ăn tại chỗ, dễ kiếm, chi phí thấp, dễ vệ sinh thức ăn thừa, không gây ô nhiễm môi trường. Theo tính toán của ông Hiệp, nếu nuôi bằng thức ăn nấu chín với quy mô 1.000 con, mỗi vụ thu hoạch lãi 37,5 triệu đồng, cao hơn thức ăn sống 20 triệu đồng…

Ngoài 3 mô hình trên, hội thảo còn ghi nhận thêm 3 sản phẩm, sáng kiến: “Cải tiến máy gặt đập liên hợp hiệu Kubota - DC60”, tác giả Nguyễn Dăng (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh); “Cải tiến máy tuốt lúa thành máy hốt lúa vô bao bì”, tác giả Phan Quang Mai (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm); “Ứng dụng phối trộn chất thải bùn cá và bèo tây làm thức ăn nuôi giun quế”, tác giả Lê Ngọc Thạch (Trung tâm Khuyến nông tỉnh). Các sản phẩm này đều đạt giải tại hội thi Sáng tạo KH-KT tỉnh. Các đại biểu đề nghị, liên hiệp hội tiếp tục phổ biến, chuyển giao, ứng dụng công nghệ rộng rãi hơn nữa cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh, hầu hết các sản phẩm, mô hình có tính chất KH-KT cao và đang được áp dụng, giải quyết được những vấn đề bức xúc, phát sinh trong thực tế lao động sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Liên hiệp hội tiếp tục phổ biến, nhân rộng những giải pháp này để người dân có thể áp dụng có hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.

CÁT ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201909/nhan-rong-cac-sang-kien-ky-thuat-8131157/