Nhân rộng cách làm hay trong giáo dục kĩ năng sống cho học sinh
Đề án Giáo dục kĩ năng sống (KNS) và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 đạt nhiều kết quả tích cực; trang bị cho các em nhiều kiến thức, thái độ và KNS tốt, phù hợp để chủ động ứng xử các tình huống trong cuộc sống; qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo từ cơ sở được nhân rộng.
Nội dung giáo dục KNS cho học sinh phổ thông tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các em kĩ năng thực hành Luật Giao thông đường bộ; phòng, chống đuối nước; phòng tránh thiên tai, tai nạn thương tích; phòng, chống ma túy, tội phạm liên quan đến phụ nữ và trẻ em; bạo lực học đường… Căn cứ tình hình thực tế từng địa phương, các cơ sở giáo dục đã có nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt để tổ chức giáo dục KNS phù hợp với điều kiện nhà trường, đối tượng học sinh; trong đó lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục KNS vào các môn học Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Lịch sử - Địa lý (cấp tiểu học), Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Thể dục (cấp trung học); tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, xử lí các tình huống khi tham gia giao thông; tìm hiểu về Luật Phòng, chống mua bán người, các tình huống phòng, chống mua bán người; thực hành các tình huống cấp cứu người bị tai nạn thương tích, đuối nước; phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền, giáo dục KNS qua các buổi chào cờ đầu tuần, các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đội, Đoàn, câu lạc bộ; tổ chức các sự kiện theo chủ điểm và kỷ niệm các ngày lễ, hội lớn trong năm.
Giai đoạn 2016 – 2020, các trường học đã tổ chức trên 5.100 chuyên đề giáo dục KNS; xây dựng và tổ chức hoạt động trên 2.400 câu lạc bộ sở thích. Trong quá trình thực hiện, nhiều cơ sở giáo dục có mô hình, cách làm hay, sáng tạo được nhân rộng: Vận động làm đồ chơi cho học sinh bằng các vật liệu sẵn có của địa phương; xây dựng cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện; xây dựng thư viện xanh, tủ sách KNS tại các trường tiểu học, THCS thuộc huyện Quản Bạ, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang; các trường nội trú, bán trú trên địa bàn huyện Quản Bạ, Vị Xuyên mời cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện tập huấn, hướng dẫn cán bộ, giáo viên và học sinh về công tác nội vụ; tổ chức tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn, đồng thời giáo dục học sinh về tinh thần yêu lao động...
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, việc triển khai các nội dung giáo dục KNS cho học sinh phổ thông đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp các em hình thành và phát triển đúng đắn về đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ, thể chất và các KNS cơ bản. Từ đó, các em có khả năng ứng phó hiệu quả với những thách thức trong cuộc sống, có khả năng tự bảo vệ tinh thần và sức khỏe của mình và những người khác trong cộng đồng. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về tiếp tục triển khai giáo dục KNS và lịch sử, văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương, cơ sở giáo dục chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục KNS, trong đó tập trung: Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học sinh; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên về phương pháp giảng dạy KNS, kĩ năng, phương pháp tổ chức các hoạt động ngoại khóa; phát huy vai trò của câu lạc bộ về giáo dục KNS…