Nhân rộng điển hình, mô hình hiệu quả về công tác hậu cần
5 năm (2013-2018), ngành hậu cần Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiến bộ toàn diện, được Bộ Quốc phòng, TCKT tặng cờ thi đua. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với Đại tá Phạm Văn Chiêm, Chủ nhiệm Hậu cần TCKT, về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác hậu cần ở đơn vị.
Phóng viên (PV): Những năm qua kết quả hoàn thành nhiệm vụ của ngành hậu cần TCKT đạt được như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Phạm Văn Chiêm: Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của TCKT, năm 2018 và những năm qua, ngành hậu cần TCKT đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy TCKT, Chỉ lệnh công tác hậu cần, kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ cấp trên; chủ động, nỗ lực triển khai toàn diện các nội dung công tác và đạt kết quả tiến bộ vững chắc. Toàn ngành thực hiện nghiêm các chế độ, dự trữ đúng, đủ lượng vật chất, trang bị hậu cần cho SSCĐ và phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Cục Hậu cần TCKT chỉ đạo ngành, tổ chức bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho huấn luyện, diễn tập và cơ động theo kế hoạch, luyện tập chuyển trạng thái SSCĐ. Nổi bật là BĐHC cho diễn tập chỉ huy-tham mưu một bên hai cấp trên bản đồ có một phần thực binh của TCKT (KT-18) được Bộ Tổng Tham mưu tặng bằng khen. Xây dựng kế hoạch hậu cần cho luyện tập chuyển trạng thái SSCĐ (LT-18) của các cục chuyên ngành đạt kết quả cao.
Công tác BĐHC thường xuyên duy trì tốt, kịp thời cho các nhiệm vụ. Chất lượng nuôi dưỡng bộ đội nâng lên, các chỉ tiêu công tác quân nhu vượt từ 2% đến 2,5%; tỷ lệ số quân khỏe tham gia học tập, công tác vượt từ 0,35% đến 0,88% so với quy định của Bộ Quốc phòng. Công tác vận tải, xăng dầu, doanh trại và kế hoạch đầu tư đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm. TCKT là một trong những đơn vị tiêu biểu toàn quân trong xây dựng, bảo đảm nhà công vụ cho cán bộ, nhân viên. Ngành hậu cần TCKT đã tham mưu, bảo đảm đúng tiến độ kế hoạch triển khai thiết kế mẫu nhà kho vũ khí, nhà kho đạn theo đề án quy hoạch kho vũ khí trang bị kỹ thuật của Bộ Quốc phòng. Công tác huấn luyện hậu cần, quản lý và xây dựng nền nếp chính quy công tác hậu cần có sự chuyển biến tiến bộ rõ rệt...
PV: Thưa đồng chí, những giải pháp nào để ngành hậu cần TCKT đạt được kết quả trên?
Đại tá Phạm Văn Chiêm: Công tác BĐHC cho các nhiệm vụ của TCKT có tính đặc thù cao, do các đơn vị kho, xưởng, nhà máy thuộc TCKT chủ yếu đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, giao thông khó khăn, kinh tế vùng phát triển chậm... Do vậy, Cục Hậu cần tham mưu với Đảng ủy, thủ trưởng TCKT lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quy hoạch hệ thống kho tàng, cơ sở kỹ thuật và khu tăng gia sản xuất hợp lý; tổ chức đầu tư có trọng điểm; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm, điển hình tiên tiến công tác hậu cần từng giai đoạn, hằng năm và trên từng mặt. Các đơn vị được xây dựng điểm về công tác hậu cần, như: Kho K860, KV3, K889, K895 (Cục Quân khí), Kho J102, J106 (Cục Xe-Máy), Xưởng X1, các kho KT580, KT887, KT789 (Cục Kỹ thuật Binh chủng), Trung tâm Huấn luyện 334 (Bộ Tham mưu) đã phát huy hiệu quả, được TCKT chỉ đạo rút kinh nghiệm, nhân rộng. Nhiều mô hình TGSX hiệu quả, như xây dựng trại chăn nuôi ở Kho K860, KV3, KV4 (Cục Quân khí); Kho KT887 (Cục Kỹ thuật Binh chủng), Kho J102 (Cục Xe-Máy), cùng hàng chục mô hình vườn rau chuyên canh, kết hợp vườn-ao-chuồng, trạm chế biến tập trung được xây dựng, nhân rộng, phát huy hiệu quả cao. Phong trào thi đua (PTTĐ) "Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy" được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng BĐHC, giúp TCKT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
PV: Trong thời gian tới, ngành hậu cần TCKT có những đổi mới, đột phá gì, thưa đồng chí?
Đại tá Phạm Văn Chiêm: Cùng với quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quân ủy Trung ương; chỉ lệnh, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác hậu cần, Cục Hậu cần làm tốt công tác tham mưu với Đảng ủy, thủ trưởng TCKT xây dựng tổ chức biên chế lực lượng hậu cần thống nhất từ tổng cục đến đơn vị. Tham gia đề án sắp xếp, tổ chức hệ thống kho hậu cần, cơ sở kỹ thuật trong toàn tổng cục. Tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần; phát huy nguồn lực đơn vị; chú trọng xây dựng điểm, nhân rộng mô hình hiệu quả trong toàn TCKT. Cục chủ động nghiên cứu, đổi mới phương thức BĐHC; đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào mọi hoạt động, nhất là TGSX; tăng cường hội thi, hội thao, xây dựng ngành hậu cần. Tổ chức đồng bộ, gắn PTTĐ Quyết thắng, các cuộc vận động với PTTĐ "Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy", tạo sự đột phá về chất lượng toàn diện công tác hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của TCKT trong tình hình mới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!