Nhân rộng diện tích Hồng không hạt ở Nghĩa Thuận

Đồng chí Lê Thanh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) cho biết: Hiện, toàn xã có trên 105 ha cây HKH; trong đó, hơn 50 ha đã cho thu hoạch. Dự kiến, tổng sản lượng năm nay đạt khoảng 170 tấn, tăng hơn 20 tấn so với năm 2019. Trong những năm qua, ngoài cách ươm rễ truyền thống, người dân tự học hỏi thêm về phương pháp mắt ghép HKH trên cây hồng dại. Một số hộ trong xã đã thành công từ thử nghiệm cây mắt ghép và cho hiệu quả cao hơn cũng như cho quả sớm hơn từ 1 đến 2 năm và tuổi thọ cũng lâu hơn so với ươm rễ; chất lượng quả vẫn giữ nguyên. Năm 2020, theo Chương trình 30a, xã được hỗ trợ 480 triệu đồng để nhân rộng mô hình trồng cây HKH; cụ thể, với mô hình ghép hơn 10 nghìn cây giống HKH trên cây hồng dại và hướng đến tăng thêm 30,5 ha diện tích HKH mới. Nhằm duy trì và nâng cao chất lượng quả, xứng với các tiêu chí đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận bảo hộ và Chỉ dẫn địa lý năm 2017. Đặc biệt, là tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới.

Anh Sân Tiến Phúc kiểm tra sâu bệnh trên quả Hồng không hạt.

Anh Sân Tiến Phúc kiểm tra sâu bệnh trên quả Hồng không hạt.

Đến thăm mô hình ghép HKH trên thân cây hồng dại đầu tiên ở xã Nghĩa Thuận, anh Sân Tiến Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết, năm 2000, gia đình anh thử nghiệm ghép HKH trên thân cây hồng dại đã thành công; hiện, gia đình anh có khoảng 100 cây HKH ghép đã cho quả. Anh Phúc chia sẻ: Ngoài công việc chuyên môn, tôi rất đam mê trồng các loại cây ăn quả, bản thân tự tìm hiểu các kiến thức về trồng trọt để phục vụ gia đình. Trong đó, cây HKH đã có trên đất Nghĩa Thuận từ rất lâu và cho hiệu quả kinh tế cao. Do thấy sức sống của cây hồng dại tốt hơn, nên tôi đã thử nghiệm ghép mắt cây HKH vào thân cây hồng dại; đến nay, các cây HKH ghép của gia đình đã cho quả. Quả sai, ngon, ngọt, như HKH thường và ít rụng quả vào mùa mưa... Trung bình mỗi năm, gia đình anh Phúc có thêm nguồn thu từ HKH đạt hàng chục triệu đồng. Với thành công đó, anh Phúc vẫn tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn cho một số hộ trong thôn, xã ghép mắt cây HKH để nhân rộng mô hình cây ăn quả của địa phương.

Việc thực hiện tốt các mô hình trồng HKH đã góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân, khuyến khích nông dân làm giàu, hướng đến giảm nghèo bền vững trên mảnh đất của mình. Hy vọng, với những mô hình mới, hiệu quả đối với cây HKH tại xã Nghĩa Thuận nói riêng huyện Quản Bạ nói chung sẽ ngày càng phát triển và đưa nông sản địa phương vươn xa hơn nữa - đồng chí Lê Thanh Chiến cho biết thêm.

Bài, ảnh: Vương Mai

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202008/nhan-rong-dien-tich-hong-khong-hat-o-nghia-thuan-764021/