Nhân rộng màu xanh cho rừng
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, việc trồng cây, gây rừng có ý nghĩa quan trọng. Để nhân rộng màu xanh trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian qua, một số đơn vị, tổ chức và nhà hảo tâm đã hỗ trợ đưa nhiều cây giống cho người dân trồng rừng. Việc làm đó đã góp phần quan trọng để mang lại những lợi ích thiết thực, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng Điện Biên.
Đợt đầu tháng 3 năm nay, Dự án “Sống khỏe góp xanh” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đã phủ sóng đến địa bàn huyện Mường Nhé. Không quản đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, Trung tâm đã mang đến 40.000 cây xanh gồm các loại cây, như: Giổi xanh, vối thuốc “phủ xanh đồi núi trọc” trong khu vực rừng đặc dụng Mường Nhé. Sau khi công tác trồng cây hoàn thành, Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé đã chỉ đạo Trạm Quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Sín Thầu phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương chăm sóc, quản lý và bảo vệ. Để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp xâm phạm, phá hoại cây trồng, cán bộ Trạm đã tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực rừng mới xuống giống.
Sau những ngày đi kiểm tra rừng trở về, ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé chia sẻ: “Đến nay đã 9 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích giổi xanh, vối thuốc thuộc Dự án “Sống khỏe góp xanh”. Trước đây, những vị trí đó là diện tích đất trống (trạng thái chưa có rừng) nhưng nay dần dần đã có màu xanh của cây rừng. Chúng tôi rất cảm ơn Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường đã phối hợp cùng với đơn vị để trồng cây gây rừng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng, bảo vệ hệ sinh thái của rừng đặc dụng Mường Nhé”.
Với mong muốn phủ màu áo xanh cho mảnh đất Nậm Pồ, đợt tháng 7 vừa qua, người dân xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) đã được các tình nguyện viên của nhóm Trái tim xanh Hà Nội - Điện Biên hỗ trợ trên 95.000 giống cây xanh, trong đó gồm các loại cây như: Giổi mỡ, thông, lát hoa, sa mộc, sưa đỏ và quế.
Có mặt tại buổi nhận cây hỗ trợ, ông Nguyễn Phú Thiết, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ chia sẻ: “Cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã rất phấn khởi khi được nhóm tình nguyện hỗ trợ từ thiện giống cây xanh trồng rừng. Qua hoạt động này, địa phương cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của nhóm thiện nguyện. Với số cây đã nhận, chính quyền xã đã chỉ đạo bà con trồng vào những diện tích đất trống, nương cũ bạc màu với tổng diện tích khoảng 94ha. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, bảo vệ và phát triển tốt diện tích giống cây lâm nghiệp này trên địa bàn. Hoạt động ý nghĩa này không chỉ góp phần quan trọng vào việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mà còn tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã…”.
Cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, từ cuối năm 2021 đến nay, huyện Nậm Pồ đã trồng mới trên 70ha các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; nâng tổng số diện tích cây trồng toàn huyện lên 330ha gồm các loại cây, như: Quế, mắc ca, giổi… Với chủ trương đúng đắn, hoạt động ý nghĩa thiết thực này đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế cho người dân, nhân rộng màu xanh cho núi rừng.
Thời gian gần đây, một số địa phương như: Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà và các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm tốt công tác trồng rừng. Cùng với đó còn có sự đóng góp không nhỏ của một số tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm.
Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chủ trương xã hội hóa công tác phát triển rừng đã được UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trong nhiều năm qua. Riêng năm 2023, một số tổ chức, cá nhân tình nguyện hỗ trợ cây giống trồng rừng như: Công ty Panasonic cùng với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường hỗ trợ 40.000 cây (giổi xanh, vối thuốc) để trồng rừng đặc dụng Mường Nhé; tổ chức thiện nguyện Trái tim xanh Hà Nội - Điện Biên đã hỗ trợ trên 1 triệu cây giống (mỡ, giổi, quế, keo...) hỗ trợ cho người dân tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông và Nậm Pồ trồng rừng. Trước những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở và các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động phát triển rừng. Đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời tích cực vận động thu hút các đơn vị tình nguyện trồng rừng trên địa bàn tỉnh…