Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2024-2025

Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2024 - 2025 tiếp tục triển khai trong cả nước. Đối tượng thụ hưởng là người cao tuổi và gia đình của họ, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng. Đặc biệt là nhóm người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi dân tộc thiểu số, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

 Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 29/8, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, giai đoạn 2024 - 2025

Cơ quan này nêu rõ, Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo, đến năm 2050, tỷ lệ người từ độ tuổi 60 trở lên tăng hơn 25%; đặc biệt, năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ chuyển dịch từ xã hội “già hóa” sang xã hội "già".

Trước thực trạng đó, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp các cơ quan liên quan, nghiên cứu, nhận diện, học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước nhằm tham mưu chính sách, giải pháp phù hợp, toàn diện để đối phó với nguy cơ già hóa dân số.

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo, đến năm 2050, tỷ lệ người từ độ tuổi 60 trở lên tăng hơn 25%; đặc biệt, năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ chuyển dịch từ xã hội “già hóa” sang xã hội "già".

Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1336/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025 đã đề ra mục tiêu: Phát huy hiệu quả mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau nhằm duy trì và tiếp tục nhân rộng câu lạc bộ, huy động sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi, các cấp các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi. Góp phần thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, có 6.521 câu lạc bộ được thành lập, với khoảng 456.470 thành viên tham gia và hưởng lợi như vay vốn từ câu lạc bộ để tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe, chăm sóc về đời sống vật chất và tinh thần, vị trí, vai trò của người cao tuổi được cộng đồng coi trọng, phát huy được nội lực của người cao tuổi, nâng cao vị thế của Hội người cao tuổi, góp phần làm tốt công tác người cao tuổi tại địa phương, thực hiện tốt Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Có 6.521 câu lạc bộ được thành lập, với khoảng 456.470 thành viên tham gia và hưởng lợi như vay vốn từ câu lạc bộ để tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Rất nhiều địa phương có mô hình điển hình cả về số câu lạc bộ cũng như chất lượng hoạt động. Trong đó, Thanh Hóa vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng câu lạc bộ mới được thành lập với tổng số câu lạc bộ hiện có là 1.164 câu lạc bộ với 62.000 thành viên.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao Cục Bảo trợ xã hội là đơn vị đầu mối, phối hợp Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, các bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2024- 2025 với những nội dung chính sau.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các giải pháp đã nêu trong Đề án bằng những giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, phối hợp Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các cơ quan liên quan và các địa phương nhằm đạt và vượt các mục tiêu/chỉ tiêu đặt ra. Đồng thời, phát huy vai trò chủ động, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm huy động tối đa nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đề án được triển khai tại tất cả các địa phương trong cả nước. Đối tượng được hưởng lợi là người cao tuổi và gia đình của họ, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng. Đặc biệt là nhóm người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi dân tộc thiểu số, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Kế hoạch cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Theo kế hoạch triển khai Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, giai đoạn 2024-2025 do Cục Bảo trợ xã hội xây dựng, công tác tập huấn hướng dẫn triển khai Đề án hướng tới các mục tiêu.

Trước hết, cán bộ làm công tác người cao tuổi các cấp, cán bộ Hội người cao tuổi, Ban chủ nhiệm, thành viên Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hiểu được vai trò của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

Tiếp đó, giúp cơ quan, đơn vị thành lập, tổ chức, quản lý Câu lạc bộ liên thể hệ tự giúp nhau; giúp Ban chủ nhiệm câu lạc bộ hiểu việc vận hành và triển khai các hoạt động của Câu lạc bộ; giải quyết những vướng mắc khi thực hiện các hoạt động trợ giúp, phát huy vai trò người cao tuổi.

Mỗi năm, tổ chức từ 5 đến 7 đợt tập huấn, ưu tiên các địa phương miền núi phía bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ với nội dung chủ yếu như sau:

Thứ nhất, hướng dẫn xây dựng mới Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; duy trì, kiện toàn các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã thành lập bảo đảm chỉ tiêu về số lượng và chất lượng.

Thứ hai, hướng dẫn quản lý các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, triển khai các hoạt động: tăng thu nhập; chăm sóc sức khỏe; tình nguyện viên chăm sóc tại nhà; tự giúp nhau, hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền, lợi ích; truyền thông; thể thao, văn hóa văn nghệ; vận động nguồn lực.

Thứ ba, hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

Việc triển khai thực hiện do Cục Bảo trợ xã hội chủ trì, phối hợp, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, các địa phương và tổ chức có liên quan.

Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án bảo đảm việc triển khai thực hiện của cấp cơ sở đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật; bảo đảm các hoạt động của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đúng mục đích, hỗ trợ đúng đối tượng.

Qua đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án; kiểm tra mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở các địa phương.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhan-rong-mo-hinh-cau-lac-bo-lien-the-he-tu-giup-nhau-giai-doan-2024-2025-post389244.html