Nhân rộng mô hình chăn nuôi hiệu quả ở huyện Cẩm Thủy
Huyện Cẩm Thủy đã và đang có cơ chế khuyến khích chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại theo hướng an toàn sinh học gắn với chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi địa phương phát triển bền vững.
Người dân xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy) áp dụng mô hình chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế.
Năm 2019, Hội Nông dân xã Cẩm Tâm thành lập tổ liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi với sự tham gia của 10 hộ gia đình. Khi tham gia tổ liên kết, mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật lựa chọn con giống, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ. Cùng với đó, để sản phẩm có đầu ra ổn định, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, hội nông dân xã đã liên kết với Công ty HappyFarm cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn kiểm soát quy trình trong suốt quá trình chăn nuôi và cam kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện liên kết, các hộ còn hỗ trợ nhau về kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng. Hằng tháng, các thành viên còn tổ chức giao ban trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cũng như cùng tháo gỡ khó khăn, giúp nhau sản xuất hiệu quả... Theo tính toán, mỗi năm tổ liên kết có thể cung cấp 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng 40 tấn gà thương phẩm, trừ chi phí mỗi hộ thu lãi từ 100 đến 120 triệu đồng. Thành công từ mô hình tổ liên kết đã và đang được nhân rộng trên địa bàn xã Cẩm Tâm nói riêng, huyện Cẩm Thủy nói chung để hướng tới chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia cầm tập trung.
Còn đối với gia đình anh Lê Văn Quyết, thôn Quý Lâm, xã Cẩm Quý trước đây chăn nuôi lợn, gà theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao, nhất là chăn thả tự nhiên nên chất thải vật nuôi đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Sau khi áp dụng khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại khép kín, gia đình anh đã đầu tư nuôi lợn, gà thương phẩm theo công nghệ đệm lót bằng chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, anh lựa chọn con giống có năng suất cao; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng cho gia cầm... Anh Quyết cho biết: Mô hình nuôi lợn, gà sạch, khép kín của gia đình đang cho hiệu quả bước đầu và là hướng đi phù hợp trong phát triển chăn nuôi hiện nay. Bởi vậy, đến thời điểm xuất bán lợn, gà có nhiều thương lái đặt mua, giá bán luôn cao hơn giá bán gà công nghiệp từ 20 đến 30%.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có hơn 1.000 trang trại, gia trại, trong đó, có gần 30 trang trại đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 02-2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định tiêu chí kinh tế trang trại. Một số trang trại chăn nuôi có quy mô lớn được hình thành như: trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản công nghệ cao của Công ty CP Chăn nuôi Phong Sơn, quy mô 5.000 con/lứa tại xã Cẩm Quý; trang trại chăn nuôi gà công nghệ an toàn sinh học tại xã Cẩm Quý của Công ty TNHH Đầu tư trang trại ST; trang trại chăn nuôi lợn thịt gia công của Công ty TNHH Chăn nuôi Cẩm Châu có địa chỉ tại xã Cẩm Châu...
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay huyện Cẩm Thủy có tổng đàn trâu, bò 18.927 con, đạt 126% kế hoạch; đàn lợn 83.117 con, đạt 109% kế hoạch; đàn dê 12.773 con, đạt 113,04% kế hoạch; đàn gia cầm 1.065 nghìn con, đạt 177,5% kế hoạch.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi liên kết gia trại, trang trại theo hướng an toàn sinh học, thời gian tới huyện Cẩm Thủy sẽ đẩy mạnh hỗ trợ, đầu tư để nhân rộng các mô hình điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững; nâng cao vai trò của các tổ liên kết chăn nuôi, HTX trong việc liên kết, hình thành các mô hình chăn nuôi theo chuỗi; đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng con nuôi... từ đó tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thu hút doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh; tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm; khuyến khích chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch vùng, tiểu vùng phát triển chăn nuôi phù hợp với đặc điểm và lợi thế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân dễ dàng tiếp cận và đưa các giống vật nuôi chất lượng cao vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế; tập trung khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, người chăn nuôi áp dụng theo quy trình chăn nuôi VietGAHP để tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử và trên nền tảng mạng xã hội để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chăn nuôi của địa phương...