Nhân rộng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp nông dân

Mô hình sản xuất đậu phộng VietGAP của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) vừa được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Ảnh: NGỌC HÂN

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp để liên kết những nông dân có chung ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Qua đó tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các hội viên, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo Hội Nông dân tỉnh, thực hiện Đề án 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện đề án đến đông đảo cán bộ, hội viên các cấp. Qua đó, nhiều hội viên là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức đúng về sự phối hợp, liên kết nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với khi làm đơn lẻ; cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Các chủ cơ sở đã chủ động tìm hiểu về cơ chế, chính sách, về đối tác dự định liên kết trong tổ, hội… để có sự chuẩn bị cho việc thành lập các mô hình.

Tổ hội hợp tác nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa tại phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa là một trong những tổ hội được thành lập dựa trên các tiêu chí như vậy.Với mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa, năm 2019, Hội Nông dân phường đã triển khai đề án, tổ chức vận động 10 hội viên tham gia thực hiện mô hình, lập thủ tục vay vốn và thuê ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả với diện tích 2ha để thực hiện mô hình.

Kết quả sau 3 vụ, năng suất tôm đạt từ 600-650kg/2ha/vụ, bán với giá 200-300.000 đồng/kg; năng suất lúa thu hoạch đạt 6,5-7 tấn/2ha/vụ, bán với giá 6.000 đồng/kg. Tổng thu 3 vụ hơn 600 triệu đồng, đã thu hồi được vốn và lãi hơn 98 triệu đồng.

Ông Lê Đăng Khôi, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa, chia sẻ: “Khi nghe Hội Nông dân phường Hòa Vinh vận động tham gia tổ hợp tác, tôi đăng ký tham gia ngay. Tổ hợp tác giúp tôi và các thành viên trong tổ học hỏi những cách làm hay, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quá trình nuôi trồng và chăm sóc, được hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển.

Trong quá trình chăm sóc, chúng tôi nhận thấy con tôm sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, môi trường ở địa phương. Việc nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn”.

Tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, sau khi rà soát, khảo sát, nắm rõ tình hình từ chi hội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân, Hội Nông dân xã đã chọn Chi hội Nông dân thôn Giai Sơn để thành lập Tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy sản trên biển với 12 thành viên tham gia theo Đề án 24.

“Từ chỗ sản xuất, đánh bắt đơn lẻ, từ khi thành lập tổ hội nghề nghiệp, chúng tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, kịp thời trao đổi thông tin giá cả, thị trường các loại thủy hải sản đánh bắt được cũng như ngư trường khai thác; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thủy sản…”, ông Nguyễn Trí Thanh, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy sản trên biển cho hay.

Tiếp tục định hướng đi đôi với hỗ trợ

Thông qua việc thực hiện đề án xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, hội viên còn được hỗ trợ vốn ban đầu (mỗi hộ vay từ 30-100 triệu đồng) từ nguồn của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho hàng trăm hộ nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn ban đầu để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi như trước đây, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xóa nghèo bền vững ở các địa phương.

Hơn 3 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 9 chi hội nghề nghiệp, 111 tổ hội nghề nghiệp với 1.771 thành viên và 3 tổ hợp tác với 23 thành viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề.

Thông qua mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, nông dân có thêm điều kiện nắm bắt các chủ trương, chính sách, pháp luật, thực hiện tốt phong trào hội nông dân, liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Ngô Văn Tịnh, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo thịt tại phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa, cho biết: “Khi nắm bắt được thông tin về Đề án 24, tôi thấy ưng và chủ động xin tham gia. Từ chỗ trồng trọt, chăn nuôi đơn lẻ, hiện các thành viên trong tổ đã mở rộng quy mô sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, vệ sinh chuồng trại và phòng trừ các loại dịch bệnh… Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập”.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Huỳnh Văn Dũng, cùng với việc tăng cường tuyên truyền về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, hội sẽ hỗ trợ pháp lý cho các chi, tổ hội trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ; phối hợp với các ngân hàng giúp các chi, tổ hội tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

“Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, từ đó lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực của địa phương và nhu cầu tham gia của hội viên, nông dân trên địa bàn để thành lập và nhân rộng mô hình này. Hội phấn đấu năm 2021, thành lập mới 9 chi hội và 214 tổ hội nghề nghiệp”, ông Dũng nói.

Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp theo Đề án 24 không chỉ khẳng định tính năng động, sáng tạo của nông dân trong thời kỳ hội nhập mà còn tạo tiền đề cho việc thành lập các hợp tác xã, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/254693/nhan-rong-mo-hinh-chi-to-hoi-nghe-nghiep-nong-dan.html