Nhân rộng mô hình giảm nghèo ở Đình Lập: Tạo sinh kế giúp người dân vươn lênTin khácChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19THÔNG BÁO NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ BẢY (KỲ HỌP THƯỜNG LỆ CUỐI NĂM 2021) HĐND TỈNH KHÓA XVII NHIỆM KỲ 20

Từ năm 2018 đến nay, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo của huyện Đình Lập đã được hỗ trợ cây, con giống từ dự án 'Nhân rộng mô hình giảm nghèo' thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ngân sách Nhà nước bố trí vốn hằng năm để phát triển sản xuất. Việc triển khai thực hiện hiệu quả dự án đã góp phần tạo sinh kế lâu dài giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2018, gia đình bà Hoàng Thị Dung, thôn Còn Đuống, xã Đình Lập là 1 trong 32 hộ được nhận nguồn hỗ trợ từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”. Với mức hỗ trợ 15 triệu đồng cùng khoản tiền đối ứng, gia đình bà Dung đã mua 1 con bò sinh sản với giá 18,2 triệu đồng.

Người dân xã Đình Lập chăm sóc đàn bò được hỗ trợ từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”

Người dân xã Đình Lập chăm sóc đàn bò được hỗ trợ từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”

Bà Dung cho biết: Khi tham gia dự án, tôi được hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật để phát triển chăn nuôi. Nhận thấy tiềm năng phát triển, đầu năm 2020, tôi vay vốn mua thêm một con bò để chăn thả cùng. Sau hơn 3 năm, đến nay, bò đã sinh sản, tăng đàn lên 3 con. Tháng 10/2021, tôi xuất bán 1 con bò với giá trên 25 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có vốn đầu tư trồng cỏ và mua thêm bò để chăm sóc. Từ một hộ nghèo của xã, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, có kinh nghiệm chăn nuôi và có nguồn vốn ban đầu để phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Văn Hội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đình Lập cho biết: Quá trình triển khai thực hiện dự án, xã đã rà soát, lựa chọn các gia đình thực sự cần hỗ trợ để đề xuất với huyện. Theo đó, năm 2018, 32 hộ nghèo, cận nghèo của xã được nhận hỗ trợ từ dự án mỗi gia đình 1 con bò giống sinh sản để chăn nuôi (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ, còn lại là người dân đối ứng). Từ 32 con bò giống hỗ trợ ban đầu, đến nay, tổng đàn đã tăng lên 65 con, nhiều gia đình đã xuất bán bò, bước đầu có thu nhập. Nhờ đó, đã có 28/32 hộ nhận hỗ trợ vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 5,6% năm 2020 (giảm 6,01% so với năm 2018).

Tương tự, thực hiện dự án trên, từ giữa năm 2018, 27 hộ nghèo của xã Lâm Ca được hỗ trợ 81 con dê giống để chăn thả. Nhờ lợi thế bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn dồi dào cùng với việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, từ 81 con giống ban đầu nay đã tăng lên 150 con. Từ năm 2020, nhiều hộ bắt đầu chọn lọc xuất bán dê thịt, dê giống, nhờ đó bước đầu mang lại thu nhập, giúp 15/27 hộ nhận hỗ trợ từ dự án thoát nghèo.

Được biết, từ năm 2018 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo, trên địa bàn huyện đã có 731 gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo thuộc 12 xã, thị trấn được hỗ trợ cây, con giống (bò, dê, sa nhân,..) để phát triển sản xuất. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án trên 12 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 7,7 tỷ, người dân đối ứng 4,2 tỷ đồng. Qua đánh giá cho thấy các hộ dân nhận hỗ trợ đều chăm sóc tốt cây, con giống.

Quá trình thực hiện dự án, các phòng chuyên môn huyện đã chú trọng hướng dẫn các hộ dân cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y các xã thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng dịch bệnh. Nhờ đó, nhiều mô hình đã được nhân rộng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.

Bà Lý Thị Hỷ, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện cho biết: Để thực hiện hiệu quả dự án, hằng năm, phòng phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện, các xã, thị trấn tổ chức từ 3 đến 5 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi với trên 250 lượt người tham gia. Qua hơn 3 năm triển khai, dự án đã trở thành “đòn bẩy” tạo sinh kế cho người dân, giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong phát triển kinh tế, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, nâng cao thu nhập, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của địa phương. Nếu như năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 22,98% thì năm 2020, giảm xuống chỉ còn 12,26% (giảm 10,72%).

Với việc triển khai tích cực, đúng tiêu chí, đối tượng thụ hưởng, dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” trên địa bàn huyện Đình Lập đã tạo được hiệu quả thiết thực, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

LIỄU CHANG

THANH HUYỀN - TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/466326-nhan-rong-mo-hinh-giam-ngheo-o-dinh-lap-tao-sinh-ke-giup-nguoi-dan-vuon-len.html