Nhân rộng mô hình 'Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam'
Để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ nhân rộng mô hình giảm thiểu rác thải nhựa tại các khu, điểm du lịch; đề xuất các đơn vị sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.
Ngày 21-1, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức Hội nghị kết thúc Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” do Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP/GEF-SGP) tài trợ thực hiện trong hai năm 2023-2024.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, rác thải nhựa đang nổi lên là một thách thức trên thế giới cũng như tại Việt Nam, cũng là vấn đề môi trường lớn, tác động đến phát triển kinh tế xã hội bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng các quy định về giảm thiểu RTN.
Du lịch được xem là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng đồng thời cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa. Sự tham gia tích cực của ngành du lịch toàn cầu vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Trong những năm qua, du lịch là ngành mũi nhọn có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển này, các hoạt động du lịch cũng góp phần làm tăng lượng rác thải ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa (RTN), đồng thời cũng chịu nhiều tác động của RTN.
Theo ông Vũ Thế Bình, từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam – Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa” và được các doanh nghiệp du lịch cả nước hưởng ứng. Nhiều doanh nghiệp, địa phương đã đạt được thành tích cao trong giảm thiểu rác thải nhựa. Riêng với Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”, qua 18 tháng triển khai, đã đạt được nhiều các kết quả.
Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho biết, thông qua các hoạt động truyền thông, hội thảo, tọa đàm, nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp du lịch được nâng cao. Các sản phẩm truyền thông gồm: tờ rơi, tập gấp, poster, 2 video clip sẽ tiếp tục được sử dụng để truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trên phạm vi cả nước.
“Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa trong nhà hàng, khách sạn, khu/điểm du lịch đã được thực hiện, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước. Trong 3 tháng thực hiện thí điểm tại 60 đơn vị ở Ninh Bình và Hội An đã giảm trung bình 35% lượng rác thải nhựa”, ông Vũ Quốc Trí thông tin.
Cụ thể, tại Ninh Bình, tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh sau khi thí điểm giảm từ 14% - 23% so với trước thí điểm ở các loại hình doanh nghiệp (khách sạn 23%, nhà hàng 14%, lữ hành 14%, điểm tham quan 20%).
Tại Hội An, lượng rác thải nhựa phát sinh giảm 64% tại khách sạn trong quá trình tham gia chương trình thí điểm. Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa được xây dựng và ban hành được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Nhiều đơn vị đã sử dụng sản phẩm tái sử dụng hoặc thân thiện môi trường.
Đặc biệt, Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch được ban hành, tạo cơ sở để các thành viên của Hiệp hội Du lịch triển khai và thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa.
“Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục nhân rộng các hoạt động này đến các địa phương khác, hướng tới chuyển đổi xanh trong kinh doanh du lịch để phát triển bền vững”, ông Vũ Quốc Trí nhấn mạnh.
6 nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch:
Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa.
Thứ hai, tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch.
Thứ ba, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không rác thải nhựa.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa.
Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên Hiệp hội.
Thứ sáu, huy động nguồn lực quốc tế để thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa.