Nhân rộng mô hình nuôi sá sùng thương phẩm tại Phú Yên
Ngày 12/12, Hội đồng KH&CN tỉnh tiến hành nghiệm thu và xếp loại khá đối với Dự án ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng theo hướng bền vững tại Phú Yên.
Đây là dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt (TX Đông Hòa) chủ trì thực hiện; Viện Nghiên cứu thủy sản III phối hợp chuyển giao công nghệ; kỹ sư Nguyễn Duy Trinh, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt làm chủ nhiệm, với tổng kinh phí 9,4 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 2,5 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp.
Dự án này được triển khai từ tháng 4/2021-4/2023, gia hạn đến tháng 9/2024; chuyển giao thành công công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm sá sùng tại tỉnh Phú Yên.
Dự án đã xây dựng được quy trình sản xuất giống sá sùng, quy trình công nghệ và 8 mô hình nuôi thương phẩm; quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng kết hợp với sá sùng; xây dựng mô hình sản xuất giống sá sùng nhân tạo với 600.000 con giống tại TX Đông Hòa. Dự án cũng đã đào tạo 10 kỹ thuật viên và tập huấn cho 150 nông dân ở huyện Tuy An, TX Sông Cầu và TX Đông Hòa.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh, sá sùng là loài có giá trị kinh tế cao, chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên nên dễ dẫn đến tình trạng cạn kiệt. Vì vậy, việc sản xuất giống và nuôi thành công sá sùng thương phẩm sẽ mở ra một đối tượng nuôi mới, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân; góp phần từng bước đưa ứng dụng KH&CN vào phục vụ nuôi trồng thủy sản trong thời gian đến tại Phú Yên.