Nhân rộng mô hình phòng, chống tội phạm của Hà Nội và TPHCM

Ngày 15/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (BCĐ 138/CP) đã chủ trì cuộc họp với TPHCM và Hà Nội về công tác phòng, chống tội phạm tại hai thành phố lớn trong quý I/2013.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác phòng chống tội phạm phải thực hiện kiên trì, liên tục, không để xảy ra điểm nóng gây mất niềm tin của nhân dân. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác phòng chống tội phạm phải thực hiện kiên trì, liên tục, không để xảy ra điểm nóng gây mất niềm tin của nhân dân. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham dự cuộc họp có Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo TPHCM và Hà Nội.

Tội phạm giảm mạnh

Theo Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP, quý I/2013 đã xảy ra 14.008 vụ vi phạm pháp luật, giảm 47,2% so với cùng kỳ. Riêng TPHCM giảm 6,2% và Hà Nội giảm 22%.

Các loại tội phạm tăng cao là đánh bạc (111,2%), hiếp dâm trẻ em (11%), cưỡng đoạt tài sản (5%). Tội phạm cờ bạc diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp lễ, Tết. Các cơ quan pháp luật đã triệt phá 2.658 vụ, bắt 12.047 đối tượng, trong đó có nhiều tụ điểm, đường dây cờ bạc quy mô lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Đáng lo ngại là tính chất nghiêm trọng, manh động, nguy hiểm của các loại tội phạm ngày càng gia tăng, gây tâm lý bất an cho nhân dân. Trước tình hình đó, Bộ Công an và nhiều địa phương ra quân thực hiện tấn công, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự đảm bảo, tỷ lệ điều tra, phá án đạt 77,3%.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tội phạm còn một số hạn chế như hiệu quả phòng ngừa và giải quyết tội phạm chưa cao, công tác quần chúng tố giác tội phạm nhiều nơi còn yếu, chính quyền địa phương một số nơi phát hiện và giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân chưa kịp thời, triệt để.

Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội nổi lên hai loại tội phạm mới là tội phạm lợi dụng công nghệ cao và núp bóng bán hàng đa cấp gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu hàng hóa từ biên giới phía Bắc về Hà Nội gia tăng, nhất là các mặt hàng đồ gia dụng, may mặc, kim khí, gia cầm… Đặc biệt là việc vận chuyển hàng lậu bằng đường sắt liên vận từ Trung Quốc về Hà Nội với thủ đoạn kẹp chì thùng hàng để qua mặt cơ quan chức năng.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, Công an Hà Nội đề xuất sáp nhập các Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm về buôn bán phụ nữ và trẻ em, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm về ma túy, Ban chỉ đạo toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại các tỉnh thành một Ban chỉ đạo như ở cấp Trung ương. Đồng thời, Công an Hà Nội cũng kiến nghị cho thành lập bộ phận phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Ông Chung cho biết, hiện số phạm nhân chờ thi hành án tử hình là 75 và số phòng giam theo quy chuẩn đã hết, do vậy các ngành sớm có giải pháp cho tình trạng này.

Liên quan tới tội phạm trong lĩnh vực thương mại, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, nên loại bỏ bán hàng đa cấp để chấm dứt tình trạng lừa đảo qua hình thức kinh doanh này.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng, phải quản lý chặt chẽ kinh doanh thuốc tân dược để ngăn ngừa các đối tượng lợi dụng sản xuất tiền chất ma túy hoặc ma túy tổng hợp…

 Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Lấy lại niềm tin của nhân dân

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác phòng, chống tội phạm trong quý I/2013 đã có chuyển biến rõ rệt với sự tham gia quyết liệt của các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhất là hai thành phố là Hà Nội và TPHCM.

Các địa phương đã phát động phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm liên tục, có hiệu quả. Đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm với sự vào cuộc của hệ thống chính trị mà nòng cốt là lực lượng công an, tạo ra chuyển biến tích cực, ngăn chặn hiệu quả tội phạm hình sự, chặn đứng tội phạm cướp giật gây nhức nhối trong nhân dân thời gian qua.

Phó Thủ tướng lưu ý, các địa phương cần tổ chức rút kinh nghiệm các mô hình phòng, chống tội phạm và hình thức tuyên truyền phong phú, hiệu quả của Hà Nội và TPHCM, bước đầu lấy lại niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, tội phạm chống người thi hành công vụ, mua bán phụ nữ trẻ em, cờ bạc, buôn lậu và gian lận thương mại, trốn thuế còn diễn biến phức tạp. Theo Phó Thủ tướng, cần xác định rõ, ở đâu tội phạm hoành hành thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và trưởng công an nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, với phương châm kiên trì, liên tục, không để xảy ra điểm nóng gây mất niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành trên cơ sơ chức năng, nhiệm vụ được phân công, sớm triển khai công việc được giao để công tác phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả hơn.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/nhan-rong-mo-hinh-phong-chong-toi-pham-cua-ha-noi-va-tphcm/20134/166488.vgp