Nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ, tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp

Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ký kết, triển khai chương trình phối hợp hoạt động, hỗ trợ nông dân ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN. Đồng thời xây dựng, quảng bá thương hiệu để nâng cao trình độ, hiệu quả sản xuất, tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp, khả năng cạnh tranh và hội nhập.

Trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng KH&CN trong phát triển cây có múi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Nhiều trang trại bưởi tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên ứng dụng mạnh KH&CN vào sản xuất, cho năng suất cao

Nhân rộng mô hình công nghệ cao

Giai đoạn 2016-2020, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Phòng Quản lý chuyên ngành thuộc Sở KH&CN, Trung tâm Khuyến nông... tổ chức 1.504 lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo cho 60.142 lượt hội viên, nông dân tham dự. Phối hợp tổ chức xây dựng được 95 mô hình trình diễn các loại, giới thiệu những mô hình mới, có hiệu quả để quảng bá sản phẩm, nhân rộng mô hình đã ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đã tổ chức cho hội viên nông dân tham quan mô hình nuôi cá thát lát cườm, cá sặc rằn, cá lóc và sơ chế khô cá ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp; mô hình nuôi gà thả vườn tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang; mô hình trồng cây có múi kết hợp du lịch sinh thái ở huyện Lai Vung và TX.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Cùng với đó, triển khai xây dựng 2 mô hình diện tích 10.000m2 ứng dụng khoa học kỹ thuật tưới phun sương kết hợp bón phân cho cây bưởi, hồ tiêu theo công nghệ Israel ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên và xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo... Nhìn chung các cấp hội nông dân đã phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN chuyển tải thông tin kịp thời đến hội viên nông dân thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn, tham quan học tập mô hình điểm. Qua đó, từng bước đã thay đổi nhận thức và tư duy của hội viên nông dân về ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Việc hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao đã giúp nông dân có định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu, áp dụng những kinh nghiệm hay vào sản xuất ngày càng hiệu quả hơn. Từ đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế ở địa phương, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Hiệu quả kinh tế cao

Với việc ứng dụng mô hình VietGAP vào quy trình sản xuất trên diện tích 100 ha, trang trại cây có múi cam sành của ông Lâm Thành Thương ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên đã cho năng suất 30 tấn/ha. Ước tính thu nhập hàng năm là 20 tỷ đồng. Ông Thương cho biết với phương pháp dùng tấm bạt nylon phủ lên gốc cam, người trồng chủ động kiểm soát nguồn nước tưới và bón phân, cây cho trái theo ý muốn, nhất là thời điểm trái mùa. Không chỉ ứng dụng thành công KH&CN trong mô hình, ông Thương còn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho 200 lượt nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, hướng dẫn các hội viên nhân rộng mô hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng cây có múi của ông Thương đã giải quyết việc làm cho 180 lao động thường xuyên và thời vụ, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Những năm qua, nhiều mô hình sản xuất của nông dân, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nhờ ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hàng loạt mô hình nông nghiệp hiệu quả đã được nhìn thấy, cần nhân rộng như của ông Lâm Thành Thương ở xã Hiếu Liêm, ông Đoàn Minh Chiến ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên; mô hình sản xuất bưởi da xanh của bà Nguyễn Thanh Thủy, nuôi gà thịt trại lạnh của bà Lê Thị Thu ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng; Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ ở xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên; Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Minh Hòa Phát ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng...

Ngoài ra, hai Sở KH&CN và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp xây dựng nhãn hiệu tập thể được công nhận như măng cụt Lái Thiêu (TP.Thuận An), bưởi Bạch Đằng (TX. Tân Uyên), bưởi Phương Uyên, cam - bưởi - quýt đường Bắc Tân Uyên, măng cụt Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng)… góp phần xây dựng thương hiệu, khẳng định chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Nhằm xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây có múi, năm 2015 UBND huyện Bắc Tân Uyên đã xây dựng dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho các loại trái cam, bưởi trên địa bàn huyện. Sau 2 năm thực hiện, mới đây Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cam Bắc Tân Uyên và bưởi Bắc Tân Uyên”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: “Thời gian qua, chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở KH&CN được triển khai thực hiện đạt kết quả nhất định, có sự quan tâm của lãnh đạo hai đơn vị, nội dung thực hiện đã được thống nhất cao. Sau khi ký kết chương trình phối hợp với Sở KH&CN, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung có liên quan trên từng địa bàn huyện, thị, thành phố và cơ sở hội để thực hiện”.

Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên: “Trong 10 năm qua (giai đoạn 2010-2020), huyện Bắc Tân Uyên luôn chú trọng, phát triển nhân rộng các ứng dụng tiến bộ khoa học trong việc sản xuất và phát triển các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Hoạt động đó đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao như cam quýt, bưởi, nâng cao trình độ kỹ thuật, thu nhập của người dân, sử dụng có hiệu quả diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn”.

PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nhan-rong-mo-hinh-ung-dung-cong-nghe-tang-gia-tri-hang-hoa-nong-nghiep-a268512.html