Nhân rộng mô hình xe buýt nội đô

Để khuyến khích, vận động người dân lựa chọn phương tiện xe buýt, cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp

Mở rộng mạng lưới hoạt động

Tại TP. Đà Nẵng, cũng như nhiều đô thị lớn của cả nước, do sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông cá nhân trong khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp đã dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn hay cầu Rồng. Tình trạng này sẽ còn phức tạp trong những năm tới đây, bởi hiện tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân ngày càng cao. Cụ thể, số lượng ôtô tăng bình quân 12%/năm và xe máy 10,5%/năm. Nếu tình hình không được cải thiện, chỉ trong vòng ít năm nữa có thể Đà Nẵng sẽ góp mặt trong “câu lạc bộ kẹt xe”, chung với Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Đà Nẵng đang chú trọng phát triển mô hình xe buýt công cộng

Đà Nẵng đang chú trọng phát triển mô hình xe buýt công cộng

Để xử lý bài toán ùn tắc giao thông trong nội đô, một trong những giải pháp mà chính quyền thành phố đang thực hiện đó là nhân rộng mô hình xe buýt trợ giá. Đây là phương tiện giao thông công cộng khá hiện đại, văn minh, tuy nhiên lại chưa mấy phát triển ở thành phố bên bờ sông Hàn trong những năm trước đây. Được biết, bắt đầu từ ngày 1/7/2019, Đà Nẵng tiếp tục đưa vào sử dụng 6 tuyến xe buýt trợ giá mới. Cụ thể, gồm các tuyến, R4A: Cảng sông Hàn - Hòa Tiến và ngược lại, tuyến R6A: Bến xe Trung Tâm - Khu du lịch Non Nước và ngược lại, tuyến R14: Công viên 29/3 - Khu công nghệ cao Đà Nẵng và ngược lại, tuyến R15: Bến xe Trung Tâm - Thọ Quang và ngược lại, tuyến R16: Kim Liên - Trường Cao đẳng Việt Hàn và ngược lại, tuyến R17A: Cảng sông Hàn - Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang và ngược lại.

Trước đó, TP. Đà Nẵng cũng đã đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt công cộng trợ giá. Trong đó, có các tuyến từ Nguyễn Tất Thành đi Xuân Diệu; Tuyến 7 từ Xuân Diệu đi Phạm Hùng đến Bến xe phía Nam; Tuyến 8 từ Hoa Lư đến Phạm Hùng; Tuyến 11 từ Xuân Diệu đi Siêu thị Lotte đến Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin hữu nghị Việt - Hàn; Tuyến 12 từ Thọ Quang đến Công viên Biển Đông...

Thời gian hoạt động của các tuyến xe buýt bắt đầu từ 5h30 đến 21h hàng ngày với tần suất 10 phút/chuyến trong giờ cao điểm, 20 phút/chuyến vào thời điểm bình thường. Với giá vé 5 nghìn đồng/lượt. Vé tháng dành cho hành khách ưu tiên có giá 45 nghìn đồng/người/tháng, không ưu tiên có giá 90 nghìn đồng/người/tháng. Đặc biệt, tại Đà Nẵng các đối tượng được miễn phí đi xe buýt công cộng trợ giá, gồm có cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương, bệnh binh có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...

Theo nhiều người, với việc đưa thêm 6 tuyến xe buýt trợ giá mới đi vào hoạt động, đã tạo nên mạng lưới xe buýt bao phủ các hướng từ trung tâm thành phố đến các khu vực ngoại thành. Tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương lẫn các du khách mỗi khi đến với Đà Nẵng. Ông Nguyễn Thành Danh, trú tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu cho biết, kể từ khi xe buýt trợ giá xuất hiện tại địa phương, ông đã chọn phương tiện này để đi lại. Một phần với giá vé ưu tiên chỉ 45 nghìn đồng/tháng, phù hợp với túi tiền. Thêm nữa đi xe buýt an toàn hơn đi xe máy khi luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, tiện nghi trên xe cũng khá đầy đủ, thoáng mát...

Tăng cường công tác tuyên truyền

Bên cạnh mở rộng mạng lưới hoạt động, các phương tiện xe buýt trợ giá ở TP. Đà Nẵng đã được trang bị mới, khá hiện đại. Trên xe có tích hợp nhiều tiện ích, nội thất sạch đẹp, cửa xe đóng mở tự động, wifi, điều hòa... Đặc biệt, các xe luôn đảm bảo chạy đúng giờ, các tiêu chí thân thiện, hiện đại, thuận tiện và an toàn. Theo nhiều người, kể từ thời điểm hệ thống xe buýt công cộng trợ giá đi vào hoạt động trên địa bàn thành phố đã góp phần xây dựng hình ảnh một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp, xứng đáng là thành phố đáng sống.

Tuy có nhiều tiện ích, thuận tiện cho việc đi lại nhưng trên thực tế khác với Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh nhiều người dân ở Đà Nẵng vẫn còn “ngó lơ” với loại phương tiện công cộng này. Nhìn chung, trên các tuyến xe buýt có trợ giá ở địa phương vẫn còn vắng bóng các hành khách. Nguyên nhân, khiến người dân chưa mặn mà với xe buýt do tình trạng kẹt xe ở Đà Nẵng vẫn chưa thực sự nghiêm trọng như ở các đô thị lớn khác. Bên cạnh đó, quãng đường di chuyển từ trung tâm thành phố ra đến các khu vực ngoại thành, hay các khu công nghiệp ở địa phương cũng không quá xa...

Để khuyến khích, vận động các “thượng đế” lựa chọn phương tiện xe buýt, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền vận động. Theo đại diện Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng TP. Đà Nẵng (Datramac), bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phụ trợ cho hoạt động xe buýt công cộng, quán triệt nhân viên lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt công cộng có thái độ phục vụ, ứng xử văn minh... đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, công nhân sử dụng phương tiện xe buýt công cộng.

Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải thành phố cũng đã phối hợp với Ban An toàn giao thông, chính quyền địa phương, nhiều trường học trên địa bàn triển khai chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân, học sinh đi xe buýt. Tại các buổi tuyên truyền, các video giới thiệu về hệ thống xe buýt trợ giá đã được công chiếu. Nhiều tài liệu có đầy đủ các thông tin về lộ trình, điểm dừng, tần suất hoạt động, thủ tục làm thẻ vé tháng, hồ sơ làm thẻ vé ưu tiên đi xe buýt... cũng được giới thiệu đến nhiều người. Với những nỗ lực này, kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều người sử dụng xe buýt, hình thành thói quen tham gia giao thông văn minh, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ở TP. Đà Nẵng...

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhan-rong-mo-hinh-xe-buyt-noi-do-89464.html