Nhân rộng phương pháp giáo dục tích cực

Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) vừa tổ chức tổng kết Chiến dịch 'Lan tỏa yêu thương 2019 -Yêu thương đẩy lùi bạo lực'. Chiến dịch diễn ra trong 3 tháng và đã có nhiều kết quả được ghi nhận. Những phương pháp giáo dục tích cực đưa ra trong chiến dịch đã đến được nhiều nơi, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Phóng viên báo Đại Đoàn Kết có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Phương Linh - Giám đốc MSD - xung quanh chiến dịch ý nghĩa này.

Chị Nguyễn Phương Linh.

Chị Nguyễn Phương Linh.

PV: Chị có thể chia sẻ về những kết quả đạt được của Chiến dịch. Năm nay có điều gì khác so với những năm trước không?

Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh: Chiến dịch Lan tỏa yêu thương 2019 do MSD phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương, Cục Trẻ em và tổ chức Mạng lưới Quyền trẻ em thực hiện. Đây là chiến dịch hàng năm, và năm nay là năm thứ 3, hơn 300 người tham gia, có thể nói đã đạt được những kết quả cố định. Chúng tôi đã tổ chức tập huấn, huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức xã hội, các phụ huynh cũng như các cán bộ nhà nước. Trong suốt khoảng thời gian 3 tháng chúng tôi tổ chức các thử thách, phương thức, cách thức để có thể hỗ trợ và bảo vệ trẻ em, chấm dứt những trừng phạt về thể chất, tinh thần trẻ em. Ngoài ra, chúng tôi cũng sản xuất rất nhiều tài liệu truyền thông để phát cho các gia đình, nhà trường; tổ chức 3 sự kiện ngoài trời tại phố đi bộ ở Hà Nội, Huế và TPHCM; các buổi Đối thoại chính sách để thu thập những thông điệp của trẻ em và các bên liên quan, các tổ chức xã hội để có thể kiến nghị, đóng góp cho vai trò của các bên liên quan trong chấm dứt những hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em.

Theo thống kê, trên mạng xã hội có tới 200 nghìn lượt tiếp cận, hơn 100 cha mẹ đã đăng ký tham gia thử thách 21 ngày cam kết chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em. Số cha mẹ tham gia thảo luận thì rất nhiều. Mặc dù số đông chưa ký vào cam kết, nhưng chúng tôi tin rằng sau những hoạt động ý nghĩa nêu trên thì các cha mẹ sẽ được truyền cảm hứng. Chúng tôi tin tưởng rằng: Càng ngày sẽ càng có nhiều cha mẹ, phụ huynh, thầy cô và các bên liên quan quan tâm vào vấn đề sẽ phải giảng dạy và giáo dục tích cực cho trẻ, không sử dụng đòn roi hay mắng mỏ, so đo con, vì nó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, tinh thần của các em một cách lâu dài. Hy vọng chiến dịch phần nào truyền cảm hứng cho mọi người về cách giáo dục con bằng tình yêu thương, để các em có thể được lớn lên trong một môi trường an toàn và lành mạnh. Trẻ em có thể phát triển được những tố chất của mình và phát triển một cách độc lập, tự tin theo khả năng của mình.

Thực tế số lượng trẻ em bị bạo lực thể chất tinh thần năm 2019 so với những năm trước ra sao? Con số đưa ra trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 vụ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, liệu đã thực sự chuẩn xác?

- Theo số liệu của UNICEF thì có 68,4% trẻ em từ độ tuổi 1-14 đã từng trải qua những trải nghiệm đau buồn liên quan đến việc bị trừng phạt thể chất tinh thần. Tôi nghĩ rằng số liệu bây giờ đều đang chưa được chính xác. Kể cả số liệu rất cao như trên vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi vì những hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em còn bị hiểu sai, bị biện minh là phương pháp giáo dục vì lợi ích của trẻ chứ không phải là những hình thức bạo lực. Chúng ta chưa có khái niệm mang tính chất rõ ràng thế nào là bạo lực. Các phụ huynh, nhà trường, thậm chí cán bộ nhà nước vẫn hiểu sai, trốn tránh trách nhiệm của mình và cho đấy là việc riêng của gia đình hay nhà trường. Nhiều trẻ em cũng không biết quyền của mình, cũng chỉ nghĩ đó là việc cha mẹ làm vì mình, tốt cho mình thôi, mà không nghĩ rằng các em cũng có quyền được bảo vệ về thân thể, được đưa lên tiếng nói, chính kiến để bảo vệ quyền chính đáng của các em. Do đó rất khó để có con số chính xác, cụ thể.

Tôi nghĩ rằng, nếu bây giờ các con số càng lớn thì lại càng là dấu hiệu đáng mừng. Bởi vì hình thức bạo lực này vô cùng phổ biến. Số liệu lớn thể hiện cộng đồng, trẻ em và các bên liên quan bắt đầu nhận thức được. Tôi cũng sẽ không bất ngờ khi con số đó lên đến 90%, nếu con số này đủ lớn để mọi người nhận thức và cảnh tỉnh cho việc trẻ em Việt Nam đang chịu những hình phạt thể chất tinh thần như một biện pháp để giáo dục. Đó chính là lúc chúng ta có thể bắt đầu đoàn kết với nhau, nhận vai trò của mỗi bên liên quan để tìm ra giải pháp giảm con số này xuống.

Chiến dịch “Lan tỏa yêu thương - Đẩy lùi bạo lực” thu hút sự tham gia của nhiều học sinh.

Chiến dịch “Lan tỏa yêu thương - Đẩy lùi bạo lực” thu hút sự tham gia của nhiều học sinh.

Ý kiến của các phụ huynh và trẻ em khi được hỏi về các hình thức trừng phạt này như thế nào?

- Khi chúng tôi khảo sát trẻ em, điều mà các em cảm thấy đau lòng nhất là việc tại sao bố mẹ nói là yêu mình mà lại đánh mắng mình. Và khi chúng tôi khảo sát đối tượng người lớn thì rất nhiều phụ huynh mạnh miệng nói rằng: Con của tôi là tài sản sống của tôi, và tôi có quyền trong việc đánh mắng trẻ. Tôi đánh mắng nó thì nó mới được như bây giờ, còn nếu không thì chắc là hư hỏng rồi... Khi mà đưa ra các trường hợp trẻ em ngoan thì họ nghĩ rằng, con nhà người ta ngoan nên không phải đánh mắng, còn con nhà tôi hư nên tôi phải đánh mắng. Nó hư từ trong trứng nước rồi… Đó chính là những lời khiến cho trẻ em nếu như nghe được thì vô cùng đau lòng. Trẻ em nào sinh ra cũng như nhau, cũng cần có được môi trường an toàn, được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu thương. Chúng ta không thể nào có khái niệm trẻ này hư hơn trẻ khác từ ban đầu, mà bởi vì môi trường các em lớn lên chưa thể hiện được tố chất của các em, mong muốn của các em. Ngoài ra việc sử dụng bạo lực chỉ khiến cho các em nghĩ rằng nếu như muốn người khác nghe lời mình thì hãy sử dụng bạo lực. Thực tế rất nhiều em đã trở nên hung hăng, ưa bạo lực khi lớn lên, hay bắt nạt em và bạn mình, khi lớn lên, bắt nạt người nhỏ tuổi, có sức yếu hơn mình. Và sau này khi trở thành cha mẹ, thì vòng luẩn quẩn đó lại diễn ra, có thể lại trừng phạt thể chất tinh thần con em mình với góc độ khác nhau. Vô cùng đáng tiếc!

Kỷ luật tích cực, giáo dục tích cực… là những từ hay được nói nhiều. Theo chị, cần phải hiểu như thế nào cho đúng?

- Tôi nghĩ ở Việt Nam nên dùng từ “giáo dục tích cực”. Bởi vì trong quan niệm của Việt Nam thì “kỷ luật” hay đi kèm với việc nghĩ rằng đó là hành vi sai trái thì sẽ phải phạt. Do đó chúng tôi hay dùng từ “giáo dục tích cực”. Giáo dục tích cực là phương pháp cha mẹ, thầy cô cùng đồng hành với nhau để tìm ra giải pháp cho con có thể lớn lên theo đúng sở trưởng của con, và con cũng có trách nhiệm với sự lớn lên của mình. Trẻ đang lớn lên nhưng không có nghĩa trẻ không có tư duy, không có tư tưởng độc lập và ra những giải pháp cho chính mình. Việc cha mẹ hiểu tâm sinh lý của con theo từng độ tuổi, bắt buộc các cha mẹ phải học. Người lớn làm cha mẹ lần đầu thì cũng cần phải học, cùng đồng hành với con qua từng độ tuổi, cùng thảo luận với con xem có những quy định gì trong cuộc sống mà con cần tuân thủ. Đôi khi cũng có phạt, nhưng chúng tôi không gọi là “phạt” mà là “kỷ luật tích cực”. Con cũng sẽ có quyền tham gia và giám sát bản thân, đưa ra những hình thức mà con sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình nếu như vi phạm nội quy. Những nội quy này không phải chỉ nên áp dụng cho con cái mà có thể áp dụng cho bố mẹ. Nếu bố mẹ vi phạm nội quy đã được thiết lập với con thì chính bố mẹ cũng phải chịu trách nhiệm.

Một số hình thức chúng tôi nghĩ có thể áp dụng như cho các con lao động, làm bài tập hay tìm hiểu về một vấn đề nào đó chứ không phải bằng đòn roi hay mắng nhiếc. Ngoài ra phần thưởng cũng rất quan trọng trong giáo dục tích cực. Sự khen thưởng, khích lệ sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin và cảm thấy mình có môi trường an toàn để bộc lộ chính kiến, bộc lộ khả năng. Khen thưởng cũng không bắt buộc là những món quà vật chất, mà chúng tôi khuyến khích cha mẹ khen thưởng bằng chính thời gian dành cho con mình.

Giáo dục tích cực có rất nhiều phương pháp, cách thức khác nhau, nhưng tựu trung lại là thời gian chất lượng dành cho trẻ em của giáo viên hay phụ huynh, để theo sát quá trình phát triển của trẻ.

Trân trọng cảm ơn chị!

Huyền Trang (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/nhan-rong-phuong-phap-giao-duc-tich-cuc-tintuc455282