Nhân rộng trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình: Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND về nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn thành phố. Dù mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, song để mô hình này hoạt động hiệu quả vẫn còn nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ.
Người dân đến khám sức khỏe tại Trạm Y tế xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Xuân Lộc
Đưa bệnh viện đến gần dân
Tránh cái nắng nóng oi bức của những ngày hè, ông Bùi Văn Phong (62 tuổi, ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ) có mặt tại Trạm Y tế xã Long Xuyên từ rất sớm. Ông Phong cho biết, lần đầu tiên, hàng nghìn người dân trên địa bàn xã được tiếp cận với dịch vụ y tế hoàn toàn mới ngay tại trạm y tế. Đó là dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình. Với dịch vụ này, mọi thành viên trong gia đình đều được khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe. “Trước đây, mỗi khi ốm đau, gia đình tôi ngại vào trạm y tế, vì không yên tâm. Thế nhưng, từ khi trạm y tế được nâng cấp, dịch vụ khám, chữa bệnh như một bệnh viện thu nhỏ, có sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên, thì người dân đã tin tưởng”, ông Phong cho biết thêm.
Tháng 6-2019, Trạm Y tế xã Long Xuyên và Trạm Y tế thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) chính thức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Theo ông Trịnh Thế Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ, không chỉ được nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường các trang thiết bị, máy móc, thuốc, hóa chất, 100% cán bộ, nhân viên của các trạm y tế đều được nâng cao trình độ qua các buổi thực hành ở bệnh viện tuyến trên. Hằng tuần, 6 bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội được tăng cường về Trạm Y tế xã Long Xuyên và Trạm Y tế thị trấn Phúc Thọ để khám bệnh cho người dân.
Tương tự, Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) hoạt động theo nguyên lý y học gia đình từ tháng 11-2018 và tính đến tháng 6-2019 tại đây đã khám, chữa bệnh cho khoảng 14.000 lượt người. Trung bình, Trạm Y tế xã Tân Hội tiếp nhận từ 50 đến 60 lượt người/ngày, tăng hơn 2 lần so với trước. Bà Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội cho biết, người dân bắt đầu có thói quen đến trạm y tế để kiểm tra sức khỏe, hỏi về cách phòng bệnh, việc ăn uống, sinh hoạt có lợi cho bệnh cao huyết áp, đái tháo đường… Ông Nguyễn Văn Bình (76 tuổi, ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) bị viêm loét dạ dày chia sẻ: "Mỗi lần đến bệnh viện là một trở ngại, vì đường xa, di chuyển khó khăn, tốn kém… Việc mở ra nhiều trạm y tế như thế này rất cần thiết cho người dân, nhất là những người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…".
Còn tại Trạm Y tế phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), trong 6 tháng đầu năm 2019 hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, số lượng bệnh nhân tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2018. Không chỉ lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 628 bệnh nhân tăng huyết áp, 152 bệnh nhân đái tháo đường, Trạm Y tế phường còn phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội khám sàng lọc bệnh tim cho 2.300 trẻ…
Không để trạm y tế hoạt động đơn lẻ
Từ 4 trạm y tế thí điểm mô hình nguyên lý y học gia đình trong năm 2018, năm 2019, Hà Nội phấn đấu đạt tối thiểu 45% số trạm y tế trên địa bàn thành phố triển khai mô hình này. Đến năm 2020 đạt 80% và năm 2021 đạt 100% số trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, với 6 nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng. Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân khi có bệnh mới đến bệnh viện; còn hiện nay, khi chưa có bệnh, người dân đã được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương…
Khám, tư vấn sức khỏe cho người dân tại Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng). Ảnh: Nhã Khanh
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mô hình này gặp phải không ít vướng mắc. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế làm việc tại các trạm còn thấp, nên chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung tâm Y tế quận đã đề xuất bổ sung thêm một số trang thiết bị y tế còn thiếu tại trạm y tế điểm, nhưng cũng chưa được cấp. Do trang thiết bị chưa đồng bộ, nên công tác thu dung, quản lý và điều trị bệnh nhân còn hạn chế. Còn theo ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông, một số dịch vụ kỹ thuật làm được tại trạm y tế, nhưng cán bộ y tế tại đây lại không có chứng chỉ hành nghề…
Trước thực tế trên, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Trước mắt, tiến hành rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để các trạm y tế có đủ các phòng chức năng như: Phòng khám bệnh, phòng cấp cứu, phòng tiêm chủng, phòng khám y học cổ truyền, phòng truyền thông tư vấn. Cùng với đó, bổ sung thêm các trang thiết bị, máy móc, bảo đảm cho trạm y tế tuân thủ đúng nguyên lý y học gia đình.
Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần đánh giá về mô hình bệnh tật tại địa bàn để đề xuất tăng cường bác sĩ chuyên khoa. “Các đơn vị trong ngành nghiêm túc thực hiện luân phiên các bác sĩ của tuyến trên xuống các trạm y tế làm việc từ 1 đến 2 buổi/tuần. Không để các bác sĩ ở trạm hoạt động đơn lẻ một mình, cần có sự kết nối, hỗ trợ của tuyến trên”, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.