Nhẫn sắt và chai nước hoa

Hạnh đưa mắt nhìn khắp lớp và bất chợt cô chú ý đến một cậu bé ốm nhom, ngồi ở bàn cuối, cứ thi thoảng lại đổ gục xuống bàn, dường như không mấy quan tâm đến bài toán tìm thời gian và khoảng cách quãng đường mà cô đang giảng theo chương trình cải cách giáo dục dành cho học sinh lớp 5.

Minh họa: A.DŨNG

Minh họa: A.DŨNG

Nhìn bộ đồng phục nhàu nát, loang lổ những vết ố vàng trên người cậu bé, Hạnh chỉ thở dài: Con cái nhà ai mà ra nông nỗi này, thiệt là…

Và cô cũng không thể cắt nghĩa vì sao mình lại ác cảm với Lương “còm” (các bạn cùng lớp đặt biệt danh) khi cậu bé không hò hét, quậy phá, không phải tuýp “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, chỉ có vướng tội dốt toán và không thích học. Và cứ nghĩ tới cái cảnh Lương “còm” im lặng, đứng trân trối nhìn tấm bảng đen khi cô hỏi bài là Hạnh thấy run bắn, giận tím người vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của cả lớp cuối học kỳ. Phải làm gì?

Hạnh vẩn vơ nghĩ và chợt lóe sáng ý nghĩ phải tìm hiểu căn cơ. Thứ nhất hỏi đồng nghiệp, thứ hai cũng nên gặp thêm phụ huynh trao đổi. Nói là làm, ngay sáng hôm sau, Hạnh ghé gặp cô Sinh, từng dạy lớp Lương “còm” hồi tiểu học và được cô bạn cho biết cũng biết sơ vì chỉ dạy thay có vài tháng, chỉ nhớ là một cậu bé ăn mặc lôi thôi, lếch thếch và “tốt nhất là cậu xem qua nhận xét trong học bạ”.

Nghe theo lời khuyên, Hạnh tìm đọc và càng đọc càng thấy sốc: Năm lớp 1 “Rất hòa đồng, vui vẻ. Làm tốt các bài tập về nhà”; lớp 2 “Ngoan, hay giúp các bạn cùng lớp. Thông minh, học giỏi môn toán”; lớp 3, Hạnh thấy choáng khi đọc “Tính tình thay đổi sau khi mẹ mất. Cha hay say xỉn, ít quan tâm đến con mình”; lớp 4 “Không kết bạn với ai, hay ngủ gật trong lớp, không làm bài tập về nhà”.

Đọc xong, Hạnh chết lặng, trách mình không tìm hiểu gia cảnh, cứ nghĩ cậu bé lười biếng, thiếu trách nhiệm. Cô trằn trọc cả đêm, thấy tự xấu hổ với mình và ngay tối hôm sau, cô đã tìm tới nhà cậu bé trong một chung cư cũ ở quận 3. Nhà cậu bé chỉ khoảng 30m2, sặc sụa mùi khói thuốc.

- Mẹ kiếp, đứa nào đấy? - một giọng đàn ông còn chưa tỉnh rượu cất lên.

Lương “còm” chết lặng nhìn thấy cô dạy toán, còn người đàn ông bận cái áo thun thủng lỗ chỗ và cái quần, nhìn kỹ thấy giống quần soọc, thì lập bập: “Cô là ai?”. Và rồi biết là câu chuyện không đến đâu, Hạnh chào ra về, thấy nặng trĩu trong lòng khi một cậu bé 10 tuổi phải vào bếp tự nấu bữa tối cho mình.

Rồi thì tết cũng đến. Trong ngày cuối trước khi nghỉ học, Lương “còm” bất ngờ kéo Hạnh ra góc sân trường, nhìn trước nhìn sau và dúi vào tay cô một cái gói bọc bên ngoài bằng giấy báo. “Con có quà cho cô”, Lương “còm” nói, mắt bẽn lẽn cúi nhìn xuống đất. Hạnh mở ra, bên trong là chiếc nhẫn sắt và một chai bia có chút chất lỏng bên dưới. Cô nhỏ mấy giọt ra tay và ngửi thấy phảng phất mùi nước hoa Chanel số 5.

- Ôi, cô có mùi giống mùi má con quá, Lương “còm” thì thầm nói.

Hạnh bật khóc. Đây là lần thứ hai cô khóc, sau lần đầu Trưởng, bạn trai cũ là ông chủ một nhà máy chế biến thực phẩm ở Móng Cái, bỏ cô đi lấy vợ…

Mọi việc dần trở lại bình thường. Lương “còm” chịu khó nghe lời cô, sức học tăng tiến và thậm chí cuối năm còn có giải trong cuộc thi học sinh giỏi toán cấp quận. Và rồi Lương “còm” cũng học xong phổ thông, thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Trong suốt thời gian đó, năm nào cũng vậy, dịp lễ lạt, tết nhất, cậu đều gửi quà biếu cô với tấm bưu thiếp đính kèm “Thương cô, cô là cô giáo giỏi nhất thế giới”. Đến thời Internet, họ lại gặp gỡ, trao đổi qua “phây”. Đó cũng là thời điểm Lương “còm” tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, bảo vệ xong luận án tiến sĩ và làm việc tại một bệnh viện danh giá nhất thành phố.

Một thời gian sau, Lương “còm” báo tin lấy vợ và mời cô giáo cũ đứng ra thay mặt mẹ mình trong lễ ăn hỏi và lễ cưới. Hạnh lặng người, lấy ra cái hộp bên trong có cái nhẫn sắt và chai nước hoa cô vẫn giữ sau bao năm, cố hình dung ra cậu bé ngày ấy… với lời thì thầm: “Cô có mùi giống má con quá!”.

Một năm sau, Hạnh phải nhập viện và người phẫu thuật cho cô là cậu bé Lương “còm” khi xưa. Khi tỉnh lại trong phòng hồi sức, người đầu tiên Hạnh nhìn thấy là một khuôn mặt quen thuộc với nụ cười hồn hậu:

- Cô à, cô sẽ không sao, chỉ tuần sau là xuất viện. Lương “còm” cầm tay cô nói khẽ.

- Con à, con tha lỗi cho cô vì mọi chuyện. Chính con đã dạy cô phải làm một cô giáo ra sao… - Hạnh thì thầm, mắt ngấn lệ.

Người giáo viên già kể lại đã từng nghĩ xấu ra sao về cậu. Và càng kể, càng thấy nhẹ nhõm trong người.

THU NGÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhan-sat-va-chai-nuoc-hoa-641278.html