Nhân SEA Games 32, nghĩ về bóng đá Campuchia và Việt Nam
Campuchia lâu nay là nước đi sau ta về cả kinh tế lẫn bóng đá. Những tiến bộ lớn của họ về mọi mặt, mà qua SEA Games 32 bộc lộ rõ, mọi người đã thấy được, cũng là bài học cho Việt Nam.
Mỗi lần đến Campuchia có công việc, tôi đều tranh thủ gặp ông Sao Sockha, một trong 5 thống tướng của Campuchia. Ông có mối thâm tình với chúng tôi từ khi còn làm ở Đoàn thanh niên. Sau này, ông được giữ thêm chức Chủ tịch LĐBĐ Campuchia, và tôi thì liên tục tổ chức các giải bóng đá trẻ từ năm 1997 đến nay. Hai anh em định bụng sẽ phối hợp tổ chức các giải trẻ trên sân của hai nước, để cho các tuyến thủ trẻ hai nước có dịp cọ sát, học tập lẫn nhau và khả năng là xin phép hai LĐBĐ hai nước cho tổ chức các giải trẻ trên sân của cả Campuchia và Việt Nam.
Đến nay thì khả năng xin tổ chức giải ở Campuchia lại trỗi dậy mạnh hơn vì cái sân bóng đá Morodok Techo (trong cụm thể thao xây dựng 160 triệu USD) có sức chứa 60.000 người. Trong khu vực Đông Nam Á, nó chỉ có thua sân mỗi sân Bukit Jalil của Malaysia có sức chứa 110.000 người, và Morodok lớn gần gấp đôi sân Mỹ Đình. Việc xây sân Mỹ Đình, lúc đó cho Trung Quốc xây dựng mà không tạo điều kiện cho một vài nước châu Âu vào làm mà báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết lúc đó, nhưng không ăn thua. Sau đó, chất lượng sân như thế nào, mọi người đã rõ.
Khi nghe tin ông bạn Sao Sokha xin từ chức Chủ tịch LĐBĐ Campuchia, do đội này không vào bán kết SEA Games 32, tôi không ngạc nhiên vì quá biết tính ông bạn thống tướng chỉ huy hiến binh này. Ông thường dứt khoát trong mọi công việc, chứ không như ở ta, nhất là cái món tự nguyện từ chức, khi không làm được việc.
Điểm lại bóng đá Campuchia những năm gần đây thì thấy họ phát triển rất tốt, đã xây thêm được 25 sân bóng trong các trường đại học. Trong SEA Games 32 vừa qua, họ thắng Timor Leste 4-0, hòa Philippines 1-1, mà trái gỡ hòa của Phillippines ở vào phút cuối cùng của hiệp 2. Dù khó vào sâu trong SEA Games lần này, nhưng bóng đá Campuchia rõ ràng có tiến bộ, chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều.
Nay thì Thủ tướng Hunsen đã có động tác ngăn sự từ chức của ông Sao Sockha, vì chính ông Hunsen cũng hiểu rằng khó ai thay được Sao Sokha trong lúc này, nhất là với một người nhiệt huyết và có uy tín xã hội như ông ấy.
Nói về bóng đá, khó có thể nói trước được điều gì. Ví như đội U.22 của ta tại SEA Games lần này. Trước đó, đội thua liên tiếp 5 trận giao hữu làm mọi người lo lắng, nhưng có một số người am hiểu cho rằng thắng thua trong vài trận giao hữu không bao giờ là mục đích của các HLV ngoại, mà phải giành chiến thắng khi vào sâu trong giải.
Ví dụ đội bóng U.22 của ta hiện tại, nếu gặp đội đối phương yếu thì ta phải kiểm soát bóng gây áp lực tầm cao, mạnh thì ta phải phòng ngự, phản công. Ông Troussier buộc học trò chơi theo lối kiểm soát bóng với mọi đối phương, như vậy sẽ khiến sự thích nghi của các cầu thủ ta gặp khó ban đầu, nhưng sẽ mở ra một cánh cửa mới cho bóng đá hiện đại, chuẩn bị bước lên tầm cao mới.
Theo kẻ ngoại đạo môn thể thao vua này, trong bóng đá hiện đại, thì khâu tấn công phải từ vị trí thủ môn và phòng thủ cũng có thể bắt đầu từ vị trí tiền đạo. Việc U.22 Việt Nam đá thua 5 trận giao hữu cũng là chuyện bình thường, không nên lấy thành tích bằng mọi giá đối với các tuyển thủ trẻ. Ở ta, khi còn trẻ thì các tuyển thủ đá hay, đến khi lên đội tuyển lại lộ nhiều điểm yếu. Ông Park Hang-seo đã có công đưa đội tuyển quốc gia tiến sâu tại vòng loại World Cup 2022 khi lọt vào vòng cuối bảng khu vực châu Á. Tuyển Việt Nam thua 8 trận, hòa 1 trận và thắng 1 trận. Bây giờ đã đến lúc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục vào sâu hơn nữa ở World Cúp 2026, mà chúng ta đang đặt ra mục tiêu lọt vào vòng chung kết.
Đối với SEA Game 32, ta gặp Thái Lan để tranh ngôi nhất bảng A ngày 11.5, trận tranh bán kết vào 13.5, trận chung kết hoặc tranh huy chương đồng vào ngày 16.5. Việt Nam đấu với Thái Lan ngày 11.5, chỉ có 1 ngày nghỉ, rồi đá tiếp trận bán kết, trong khi bên bảng A được nghỉ 2 ngày. Theo tôi, kết quả gặp Thái Lan trận này không quan trọng bằng việc lo bảo toàn lực lượng và giữ sức, dồn cho trận bán kết. Đó mới là mục tiêu. Ta còn chờ cách xử lý của HLV Troussier, với một sự thay đổi lớn trong lối chơi như tôi đã nói ở trên. Và sau trận bán kết cũng như chung kết SEA Games lần này, ta mới đánh giá đúng lối chơi mới có thích nghi được với các cầu thủ Việt Nam hay chưa?
Campuchia trước kia là nước đi sau ta về cả kinh tế lẫn bóng đá. Những tiến bộ lớn của họ về mọi mặt, mà qua SEA Games 32 chứng minh rõ, mọi người đã thấy được, cũng là bài học cho Việt Nam.
Tất nhiên sự giúp đỡ về kinh tế của Trung Quốc là một nhân tố quyết định, cái đó chúng ta sẽ bàn sau. Nhưng đó lại là vấn đề khác. Sẽ có dịp chúng ta trở lại vấn đề này.