Nhãn Sơn Thủy giá thấp, đầu ra không ổn định

Nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể năm 2016. Nếu như vụ nhãn năm ngoái, giá bán bình quân đạt 18.000 đồng/kg thì năm nay, người trồng nhãn ở Xuân Thủy lại đang như ngồi trên đống lửa khi giá bán ngày càng xuống thấp.

Gia đình ông Đinh Công Phục, xóm Khoang, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) sơ chế nhãn, đóng hộp để xuất sang Trung Quốc.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, xã Sơn Thủy cũ (nay sáp nhập là xã Xuân Thủy) là vùng trồng nhãn nổi tiếng của tỉnh. Chính cây nhãn đã đem lại cuộc sống ngày càng no ấm cho bà con nơi đây. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, các giống nhãn Hương Chi, nhãn Miền phát triển tươi tốt, chất lượng quả thơm ngọt và thương hiệu "nhãn Sơn Thủy" đã được nhiều người tiêu dùng gần xa biết tới.

Đồng chí Bạch Công Lương, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy cho biết: Hiện, Xuân Thủy có trên 140 ha nhãn, với khoảng 70 ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở xã Sơn Thủy cũ. Mặc dù là cây trồng chủ lực, nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn chưa ổn định, giá bán bấp bênh, có vụ được giá cao, có vụ giá bán lại xuống thấp. Vụ nhãn năm nay, bà con đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá bán liên tục giảm sâu so với thời điểm đầu vụ. Cụ thể, đầu vụ, giá tư thương thu mua 15 nghìn đồng/kg, hiện giảm còn 10 - 12 nghìn đồng/kg, thậm chí nhiều hộ bán với giá 8 nghìn đồng/kg.

Đến xóm Khoang, xóm có nhiều vườn nhãn "khủng” nhất ở xã Xuân Thủy, những ngày này, bà con tập trung bẻ nhãn để tiêu thụ. Gia đình ông Đinh Công Phục là một trong những hộ có vườn nhãn đẹp nhất nhì xã. Những năm qua, vườn nhãn 19 năm tuổi, rộng hơn 1 ha đã giúp cuộc sống của gia đình ông Phục ngày một khá giả. Năm ngoái, gia đình ông thu được 21 tấn nhãn, giá bán bình quân 18 nghìn đồng/kg; trước đây, có vụ sản lượng cao nhất đạt 23 tấn, giá bán lên tới 30 nghìn đồng/kg. Vụ này, sản lượng giảm còn khoảng 15 tấn, giá bán thì rẻ hơn nhiều. "Đến nay, gia đình mới tiêu thụ được 6 tấn nhãn, giá bán 12 nghìn đồng/kg. Mức giá này khá rẻ, tính ra hiệu quả kinh tế chỉ hơn trồng lúa gấp rưỡi thôi. Nguyên nhân là do dịch Covid-19, đồng thời, năm nay, nhãn ở các vùng lân cận cũng được mùa nên khó tiêu thụ” - ông Phục cho biết. Theo ông Phục chia sẻ, nhãn của gia đình ông được đóng hộp xuất bán sang Trung Quốc, nên giá cao hơn so với một số hộ bán cho thị trường trong nước, chỉ từ 8 - 10 nghìn đồng/kg.

Cũng nằm ở xóm Khoang, vườn nhãn 22 năm tuổi của gia đình bà Bùi Thị Chiến là vườn nhãn nhiều tuổi nhất xã. Những ngày này, gia đình bà Chiến lúc nào cũng nhộn nhịp với trên 10 nhân công tập trung thu hoạch nhãn, cắt tỉa các chùm quả để đóng hộp xuất bán cho tư thương. Gia đình bà Chiến có 3 ha nhãn, đều trên 15 năm tuổi và đã cho thu hoạch. Những năm được mùa, được giá, vườn nhãn đem lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình bà Chiến. Còn vụ này: "Vẫn có nhiều tư thương đến thu mua nhưng giá rẻ hơn năm ngoái nhiều, hiện chỉ được 12 nghìn đồng/kg. Giờ đang vào vụ, nhãn bắt đầu chín rộ nên phải tập trung thu hoạch, chứ để kéo dài sợ khó tiêu thụ vì tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp” - bà Chiến chia sẻ.

Trước thực trạng đầu ra của quả nhãn bấp bênh, những năm qua, các cấp chính quyền và người trồng nhãn ở Xuân Thủy đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm. Như hiện nay, xã có 41 hộ là thành viên của HTX Nông nghiệp Sơn Thủy đang phấn đấu xây dựng sản phẩm nhãn Sơn Thủy theo tiêu chuẩn VietGAP. "Trong thời qua, với sự hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật của các cấp chính quyền, chúng tôi nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về kết nối thị trường, kỹ thuật để có đầu ra ổn định cho quả nhãn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông Phục bày tỏ.

Khẳng định những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến việc tiêu thụ nhãn gặp khó khăn, giá xuống thấp, song đồng chí Bạch Công Lương, Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh, hiện nay, đa số các hộ trồng nhãn vẫn "mạnh ai nấy làm”, sản xuất thiếu sự liên kết, nên giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương lái. Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Nhãn Sơn Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, xã xác định đây là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Để cây trồng này phát triển bền vững, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, để trước mắt có thể đưa sản phẩm vào các siêu thị, xa hơn là hướng tới xuất khẩu.

Trong bối cảnh đầu ra bấp bênh như những năm qua, thì hướng đi như chia sẻ của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã là tất yếu. Theo đó, người trồng nhãn phải nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của người tiêu dùng và không thể thiếu vai trò "kiến tạo” của ngành hữu quan, cùng chung tay, hỗ trợ người dân đưa sản phẩm nhãn Sơn Thủy đến với thị trường.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/144481/nhan-son-thuy-gia-thap,-dau-ra-khong-on-dinh.htm