Nhân sự cấp ủy khóa mới phải có đạo đức gương mẫu, dám nghĩ, dám làm

Những người được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới phải là những người có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức, lối sống gương mẫu, trong sáng, năng động, dám nghĩ, dám làm.

Ngày 9-7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

 Các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và đại biểu dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: QH

Các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và đại biểu dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: QH

Cán bộ phải luôn đề cao tự trọng, văn hóa từ chức

Phát biểu kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai Quy định 144 và Chỉ thị 35 một cách đồng bộ, có hiệu quả, xuyên suốt trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, xã hội. Để thực hiện có hiệu quả hai nội dung trên, Thường trực Ban Bí thư đề nghị cấp ủy tổ chức Đảng lãnh đạo chỉ đạo tập trung vào một số vấn đề.

Với Quy định 144, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đây là bước cụ thể hóa Kết luận 21 của Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ông đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại quy định này.

Ông cho rằng việc ban hành Quy định 144 mới là thành công bước đầu, điều cốt lõi nhất là mọi cán bộ, đảng viên phải quán triệt, thực sự thấm nhuần sâu sắc quy định và tự giác thực hành các chuẩn mực đạo đức, thường xuyên “như cơm ăn, nước uống hằng ngày”.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa theo chuẩn mực đạo đức, để không bị cám dỗ trước tiền tài, vật chất, danh vọng.

Theo Thường trực Ban Bí thư, phải làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng, nổi bật của người cán bộ, đảng viên; trở thành vũ khí sắc bén giúp cán bộ, đảng viên vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Quy định 144, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu từng chi bộ, chi ủy, nhất là người đứng đầu cần đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương trong thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng...

Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa theo chuẩn mực đạo đức, để không bị cám dỗ trước tiền tài, vật chất, danh vọng.

“Cán bộ, đảng viên phải luôn đề cao danh dự, tự trọng, liêm sỉ, văn hóa công vụ, văn hóa từ chức, để việc có lên có xuống, có vào có ra dần trở thành văn hóa trong Đảng và việc làm bình thường trong công tác cán bộ” - ông Lương Cường nhấn mạnh.

Những yêu cầu về đại hội Đảng các cấp

Với Chỉ thị 35, Bộ Chính trị đặt ra bảy yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Trong đó, đáng chú ý là công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng.

Nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp. Dự báo được tình hình, xác định rõ thế mạnh, định hướng, trọng tâm phát triển.

Công tác nhân sự cấp ủy khóa mới phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao, thận trọng từng bước, “làm đến đâu chắc đến đó”.

Cần có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ “sót” những người thật sự có đức, có tài.

Không để cán bộ không đủ tiêu chuẩn giữ vị trí chủ chốt

Nêu một số yêu cầu trọng tâm trong Chỉ thị 35, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cho rằng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt năm vấn đề; các cấp ủy nắm chắc bảy yêu cầu và sáu nội dung.

Trong đó, căn cứ chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, đặc điểm từng địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa trong xây dựng kế hoạch chuẩn bị và tổ chức đại hội cấp mình. Lãnh đạo chuẩn bị tốt dự thảo văn kiện trình đại hội, tổ chức tốt việc thảo luận, đóng góp dự thảo văn kiện đại hội cấp mình và cấp trên…

“Có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành bình thường trong công tác cán bộ

Quán triệt các nội dung tại Quy định 144, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng quy định đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, để Đảng ta “là đạo đức, văn minh”.

Theo ông, phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đưa việc “có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ. Việc làm này vừa thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đánh giá, việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp.

Các cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều cán bộ diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý, thể hiện tinh thần kiên quyết, nghiêm minh và tinh thần này được thể hiện từ Trung ương xuống địa phương.

Đối với công tác nhân sự và bầu cấp ủy, ông Lương Cường lưu ý công tác nhân sự cần đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định.

“Quá trình thực hiện cần làm đúng nguyên tắc, quy trình, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong công tác lựa chọn, giới thiệu và bầu cử cấp ủy các cấp” - ông Cường nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý công tác chuẩn bị nhân sự phải chú ý cả tiêu chuẩn, độ tuổi, cơ cấu, số lượng. Trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu hạ thấp tiêu chuẩn.

Thông tin thêm, Thường trực Ban Bí thư cho biết tới đây sẽ có hướng dẫn đầy đủ về lựa chọn nhân sự và yêu cầu cao nhất là làm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng quy trình nhưng phải lựa chọn đúng người trên cơ sở đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

“Việc này rất quan trọng nhằm khắc phục những cái sai, cái yếu vừa qua. Tất cả đều đúng quy trình, đúng nguyên tắc nhưng chọn người không đúng. Tất cả phải theo Chỉ thị 35, yêu cầu rất chặt chẽ nhưng phải chọn đúng người” - Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhấn mạnh.

Theo ông, những người được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới phải là những người có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức lối sống gương mẫu, trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Những người này cũng phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn, được cán bộ đảng viên và nhân dân tín nhiệm.

“Không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào cấp ủy, đặc biệt là không được để lọt vào giữ các cương vị chủ chốt ở các cấp” - Thường trực Ban Bí thư lưu ý và yêu cầu trong công tác nhân sự cần chú ý tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ ở mỗi cấp theo quy định và định hướng ở Trung ương.

Cũng theo Thường trực Ban Bí thư, cần chú ý kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức chính sách trong công tác nhân sự, nhất là việc bố trí công tác và thực hiện chính sách với cán bộ không đủ tuổi tái cử, đảm bảo thống nhất, đoàn kết cao trong nội bộ.

Ngoài ra, theo Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những tồn đọng, bức xúc trong dư luận cán bộ, đảng viên theo thẩm quyền. Đặc biệt, liên quan nhân sự trước đại hội, ông Cường cho rằng phải xem xét, kết luận giải quyết sớm, cơ bản năm nay giải quyết xong vấn đề này...•

Ý kiến

Ông PHẠM CHÁNH TRỰC, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM:

Theo gương Bác để học tập, rèn luyện

Quy định 144 được ban hành trong thời điểm hiện nay là kịp thời và rất cần thiết, góp phần đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới. Việc thực hiện đúng theo các nội dung trong Quy định 144, theo tôi là không phải khó. Mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy đạo đức cách mạng làm gốc. Từng cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt Quy định 144 đi vào cuộc sống.

Bác Hồ đã nói nếu mình tự nguyện, tự giác phục vụ cho lý tưởng cao đẹp vì giai cấp, vì dân tộc, vì con người thì chúng ta hoàn toàn có thể làm đúng theo như Bác đã dạy, tức là cần - kiệm - liêm chính, chí công vô tư. Tấm gương của Bác chính là tấm gương sáng, rất sáng. Mỗi cán bộ cần nhìn vào tấm gương sáng đó để học tập, làm theo gương Bác.

Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM:

Để chọn lựa được những cán bộ đáng tin cậy

Theo tôi, việc ban hành Quy định 144 là rất cần thiết. Bởi trong bối cảnh hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đang có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự chuyển biến, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Điều này đã thể hiện sự quyết tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta, đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên phải có trách nhiệm tự giác cao hơn; không chỉ tự giác theo năm điều, 19 điểm nêu tại Quy định 144 mà còn là trách nhiệm nêu gương.

Nếu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ý thức được trách nhiệm nêu gương của mình thì sẽ tạo niềm tin và sức lan tỏa lớn trong tổ chức Đảng cũng như trong xã hội. Nếu chúng ta cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, không ngừng, tự soi, tự sửa; mỗi cấp ủy, chi bộ đều đưa vào sinh hoạt hằng tháng, có sự nhắc nhở lẫn nhau và có xử lý kịp thời khi cần thiết thì điều này sẽ góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Quy định 144.

Quy định càng có ý nghĩa khi được ban hành trong thời điểm các cấp đang chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng, góp phần định hướng cho việc chuẩn bị cho công tác cán bộ.

Làm thế nào để đánh giá, chọn lựa để đưa vào các cấp ủy những nhân sự đáng tin cậy, góp phần để công tác tổ chức, công tác cán bộ được tốt hơn. Làm sao cho cán bộ, đảng viên sẽ thấy được công bằng và nhân sự được cử vào các cơ quan lãnh đạo phải thực sự có uy tín…

Đảng ta đang khuyến khích cán bộ đảng viên thực hiện “bảy dám”. Tôi nghĩ rằng đa số cán bộ, đảng viên có thể làm được điều này nhưng trong bối cảnh hiện nay chính sách pháp luật vẫn còn những chồng chéo tạo ra những rủi ro trong thực hiện công vụ của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, phải đặc biệt quan tâm, cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Ông PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM:

Cán bộ phải thường xuyên tu sửa, rèn luyện mình

Quy định 144 của Đảng ban hành vào giai đoạn này là sự cấp thiết. Trong thực tiễn, vấn đề đạo đức phải luôn luôn thể hiện được sự gắn bó với nhân dân, với từng tổ chức cơ sở Đảng.

Đạo đức là gốc của mọi vấn đề. Năm 2025, đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng có nhiều sự kiện trọng đại. Vấn đề đặt ra là làm sao để học tập, thấm nhuần hơn nữa lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xác định vấn đề đạo đức là cái gốc để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, văn minh.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và mỗi người trong mỗi nhiệm vụ đều lấy đạo đức là then chốt; luôn lấy đó để tu sửa, rèn luyện mình để vượt qua thách thức, vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Quy định 144 còn là tiêu chuẩn, nâng cao hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá xếp loại đảng viên. Điều này cũng góp phần vào việc học tập, tự soi, tự sửa ở mỗi đảng viên.

Tôi cho rằng vấn đề đạo đức không phải chỉ hiểu là “thủ” lấy mình, giữ cho riêng mình mà phải thể hiện trách nhiệm với tổ chức, với đất nước, với nhân dân. Đó là sự sáng tạo, dám vượt qua thử thách, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, người cán bộ, đảng viên cần phải biết vươn lên, bắt nhịp hơi thở cuộc sống, quy luật thời đại để càng làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình ở từng vị trí.•

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhan-su-cap-uy-khoa-moi-phai-co-dao-duc-ban-linh-dam-nghi-dam-lam-post799675.html