Nhân sự ngân hàng thời 4.0 cần hội tụ những yếu tố nào?
Nhân sự ngành tài chính - ngân hàng thời đại 4.0 không chỉ học giỏi, có nghiệp vụ, rành rọt về con số mà cần nhiều yếu tố khác như kỹ năng, kỷ luật, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Và đặc biệt, yếu tố đạo đức phải được đặt lên hàng đầu.
Những câu chuyện xoay quanh vấn đề nhân sự trong ngành tài chính, ngân hàng được lãnh đạo các tổ chức, chuyên gia kinh tế đề cập đến tại Hội thảo Phát triển nhân lực ngành tài chính – ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0. Sự kiện do Thời báo Kinh tế Sài Gòn kết hợp với Đại học Hoa Sen tổ chức ngày 6-8 tại TPHCM.
Ông Trần Minh Hùng, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nhận định các ngân hàng đang trong giai đoạn chuyển mình rất lớn trong thời đại công nghệ 4.0. Các tổ chức này đang đầu tư rất lớn để có công nghệ quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và họ gặp không ít thách thức. Một trong những thách thức mà ngân hàng gặp phải đó là vấn đề nhân sự. Câu hỏi đặt ra là làm sao để nhân sự đáp ứng được với sự phát triển của công nghệ thông tin và tránh chảy máu chất xám.
Chân dung nhân sự ngành tài chính ngân hàng thời công nghệ 4.0
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế, giám đốc chương trình Dự báo nhân lực, Phó hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, nhận định nhân sự trong ngành ngân hàng tài chính cần rất nhiều yếu tố, kỹ năng. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là đạo đức nghề nghiệp. Robot ngày nay có thể thay thế con người làm nhiều việc nhưng không thể so với con người ở yếu tố cảm xúc và đạo đức.
Kỹ năng thứ hai mà ông Trần Anh Tuấn đề cập đến đó là công nghệ và an toàn thông tin. Nhân sự ngành ngân hàng phải giỏi về con số, về tri thức để tương tác với robot, với các công nghệ hiện đại để làm việc hiệu quả.
Để bước vào thị trường lao động, đặc biệt trong ngành ngân hàng, theo ông Tuấn, một nhân sự cần phải có kiến thức về nghề, kỹ năng (bao gồm kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm), có kỷ luật, biết ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng được ngoại ngữ.
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Dịch vụ Tài chính và Ngân hàng của Navigos, nhận xét, Việt Nam trong những năm qua trở thành điểm thu hút vốn đầu tư rất lớn ở châu Á, nguồn vốn FDI tăng trưởng tốt. Điều này có ảnh hưởng lớn đến nguồn lao động và nhu cầu tuyển dụng các ngành, trong đó có ngân hàng, đều tăng trong những năm vừa qua.
Ngành tài chính ngân hàng đang rất cần những ứng viên giỏi ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật; những nhân sự có kinh nghiệm trong ngành có thể thích ứng được trong thời đại số.
Ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc Kinh doanh Ngân hàng HSBC Việt Nam, dẫn lời lãnh đạo ngân hàng HSBC Việt Nam rằng việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ rất lớn sự phát triển của ngân hàng nhưng thực chất việc ngân hàng đó phát triển ra sao vẫn phụ thuộc vào con người. Tuy nhiên, với nhân sự ngành ngân hàng, muốn vào được những tổ chức tài chính đa quốc gia, ngân hàng đa quốc gia, sự am hiểu về công nghệ hết sức quan trọng. Có những nhân sự trong ngành phải xử lý cùng một lúc cả 7 hệ thống, nếu không am hiểu công nghệ, thực sự rất khó làm việc.
Trang bị gì?
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, cho biết Khoa Kinh tế Quản trị của trường Đại học Hoa Sen có rất nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới tính ứng dụng để sinh viên có thể thực hành. Nhà trường cũng thực hiện các chương trình liên kết với các doanh nghiệp, ngân hàng để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Đỗ Lan