Nhãn Thanh Lương và trăn trở của nhà nông

Nhãn Thanh Lương là một trong những mặt hàng nông sản có thương hiệu nổi tiếng của Bình Phước trong nhiều năm qua. Tháng 10-2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho nhãn tiêu da bò Thanh Lương. Đây là cơ hội để người trồng nhãn ở xã Thanh Lương (Bình Long) phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

Khẳng định chất lượng SẢN PHẨM

Xã Thanh Lương có diện tích cây ăn trái được trồng tập trung lớn với hàng ngàn héc ta, tập trung chủ yếu ở ấp Thanh An hơn 950 ha với các loại cây như: nhãn, bưởi, cam, quýt. Trong đó, nhãn tiêu da bò 450 ha với 170 nông hộ tham gia. Giám đốc Hợp tác xã nhãn da bò Thanh Lương Trần Tuấn Dũng cho biết: Ấp Thanh An có đất đai, khí hậu phù hợp trồng cây ăn trái. Chính vì vậy, nơi đây từ lâu đã trở thành vựa cây ăn trái nổi tiếng, nhất là cây nhãn. Sau tái lập tỉnh vài năm, ấp Thanh An có nhiều hộ dân bắt đầu trồng nhãn, đến nay vẫn còn nhiều vườn nhãn trên 20 năm tuổi. Khác với nhiều địa bàn trong tỉnh, cây ăn trái Thanh Lương được người nông dân trồng chuyên canh tập trung, tạo thành cánh đồng mẫu cây ăn trái rộng lớn.

Giám đốc Hợp tác xã nhãn tiêu da bò Thanh Lương Trần Tuấn Dũng (bìa trái) thăm vườn nhãn của hội viên

Giám đốc Hợp tác xã nhãn tiêu da bò Thanh Lương Trần Tuấn Dũng (bìa trái) thăm vườn nhãn của hội viên

Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, nhãn tiêu da bò Thanh Lương đã trở thành nhãn hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài như: Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. Đây là thành quả của người dân xã Thanh Lương và là niềm tự hào, địa chỉ để nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm. “Nhãn Thanh Lương đã có từ 20 năm nay, nhưng trong những năm trở lại đây, chúng tôi mới quy hoạch phát triển tập trung quy mô lớn theo hướng liên kết sản xuất sạch, an toàn, đạt chuẩn xuất khẩu. Thông qua thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân xã Thanh Lương đã duy trì sản xuất và tạo được thương hiệu riêng cho cây nhãn trong nhiều năm qua. Cuối năm 2019, nhãn tiêu da bò Thanh Lương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận. Đây là cơ hội, là động lực để nông dân Thanh Lương yên tâm sản xuất và phát triển loại cây này” - ông Dũng nói.

VÀ Những trăn trở

Giống như mọi năm, mùa nhãn mới bắt đầu thì người nông dân lại lo lắng về giá bấp bênh, thương lái thu mua không kịp gây nhiều thiệt hại. Ông Dũng chia sẻ, vụ mùa năm ngoái, sản lượng nhãn tiêu da bò Thanh Lương đạt hơn 60 ngàn tấn, năng suất trung bình từ 17-20 tấn/ha. Thế nhưng có đến 2/3 sản lượng bán với giá thấp, chỉ từ 6-8 ngàn/kg. Để người trồng nhãn có lời thì giá phải từ 10 ngàn đồng/kg trở lên. Thanh Lương có diện tích và sản lượng nhãn hằng năm khá lớn nhưng lại rất khó khăn tìm đầu ra ổn định.

Gia đình chị Phan Thị Thanh Tâm (tổ 6, ấp Thanh An) sở hữu 3 ha nhãn 20 năm tuổi. Niên vụ vừa qua, chị thu hoạch được hơn 40 tấn nhưng giá bán lại không ổn định. Đầu vụ, chị bán với giá 15 ngàn đồng/kg, giữa vụ giá 12 ngàn và đến gần cuối vụ chỉ còn 8 ngàn đồng/kg, gia đình chị lời gần 200 triệu đồng. Chị Tâm nói: Điều khó khăn nhất đối với nông dân nơi đây là đầu ra của trái nhãn. Khi nhãn vào chính vụ lại phải phụ thuộc các thương lái. Khi thị trường biến động, các thương lái ngừng thu mua, nông dân lại đau xót chứng kiến nhãn rụng. Có năm lượng nhãn rụng chiếm đến 30% tổng sản lượng vườn nhãn, gây lãng phí. Trong thời gian tới, mong ngành chức năng giúp người dân liên kết với các doanh nghiệp thu mua với giá ổn định, kịp thời.

Ngoài ra, thiếu nước tưới tiêu cho vườn nhãn cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất. Hiện nay, hầu hết các hộ dân đều phải đào từ 2-3 giếng khoan tại vườn nhưng vẫn không đủ cung cấp nước khi vào mùa vụ. Thậm chí có nhiều hộ phải khoan từ 4-6 giếng nhưng chỉ được khoảng 2-3 giếng có nước, gây tốn kém chi phí.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lương Dương Hữu Đảng cho biết: Trước những khó khăn của nông dân, chúng tôi đã đề xuất lên các ngành chức năng về giải pháp hỗ trợ người dân xây dựng nhà kho đông lạnh để dự trữ trái cây. Bên cạnh phụ thuộc thương lái thu mua nông sản thì cây ăn trái nơi đây còn phụ thuộc vào nguồn nước tưới. Vì vậy, chúng tôi cũng đề xuất các cơ quan chức năng tìm cách đặt ống để đưa nguồn nước từ các hồ ở khu vực mỏ đá nhà máy xi măng đưa về tưới tiêu cây trồng khi vào mùa vụ. Nếu giải quyết được 2 vấn đề này sẽ góp phần ổn định vựa trái cây Thanh Lương, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/nhan-thanh-luong-va-tran-tro-cua-nha-nong-65915