Nhận thấy Omicron không quá nguy hiểm, châu Âu dần nới lỏng
Các nước châu Âu đang dần đưa cuộc sống trở lại bình thường sau khi nhận thấy biến thể Omicron không quá nguy hiểm như lo ngại trước đó.
Theo hãng tin Reuters ngày 11-1, một số quốc gia châu Âu đã dần nới lỏng hạn chế giữ cho bệnh viện, trường học và dịch vụ khẩn cấp tiếp tục hoạt động, dù biến thể Omicron vẫn lan nhanh. Lý do, các nước đánh giá Omicron dù lan với tốc độ nhanh nhưng ít gây triệu chứng nghiêm trọng cũng như ít gây tử vong.
Các đại dịch không kết thúc sau một đợt bùng phát lớn mà sau các đợt nhỏ khi nhiều người đã bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng và hình thành miễn dịch. Do vậy, sau biến thể Omicron, chúng ta có thể không cần phải bận tâm đến bất cứ điều gì hơn là sẽ còn những đợt bùng phát nhỏ lẻ - đồng sáng lập Viện Y tế và chiến lược Bilbao (Tây Ban Nha)
RAFAEL BENGOA
Trường học bắt đầu mở cửa đón học sinh
Sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, học sinh phần nhiều các nước châu Âu đã quay lại trường học.
Tại Pháp, ngay cả khi ghi nhận số ca nhiễm trung bình một ngày ở mức kỷ lục gần 270.000 ca trong tuần qua, chính quyền Paris vẫn quyết định nới lỏng các quy trình kiểm tra cho học sinh. Theo đó, học sinh ở Pháp sẽ được phép tự xét nghiệm nhanh thay vì phải đi xét nghiệm PCR ở cơ sở y tế khi có bạn cùng lớp nhiễm COVID-19.
Tại Đức, học sinh tại 8/16 bang đã trở lại trường học từ ngày 10-1 trong bối cảnh nước này ghi nhận hơn 36.500 ca nhiễm mới trong tuần qua, cao gấp ba lần một tuần trước đó và với 44% là nhiễm biến thể Omicron. Một quan chức giáo dục thuộc bang Bavaria chia sẻ kế hoạch mở cửa lại trường học đã được tính toán kỹ càng nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Các giáo viên sẽ tổ chức xét nghiệm một tuần ba lần, nghiêm túc tuân thủ các quy định về vệ sinh, giữ thoáng khí và đeo khẩu trang kín mặt khi vào lớp. Nếu trong lớp phát hiện có em nhiễm COVID-19, các học sinh còn lại trong lớp vẫn đi học, chỉ phải đeo khẩu trang và trình giấy xét nghiệm âm tính.
Bồ Đào Nha dự kiến tới tuần sau sẽ cho học sinh đi học trực tiếp và quy định đeo khẩu trang trong suốt quá trình học.
Tại Tây Ban Nha, trường học cũng mở lại từ ngày 10-1 với quy định an toàn gần tương tự Đức. Nhiều phụ huynh chia sẻ họ rất vui khi con em có thể đi học trực tiếp trở lại dù vẫn còn một số băn khoăn nhất định. Trình bày thêm về quyết định này, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng đã đến thời điểm thích hợp để đánh giá diễn biến của Omicron và dịch COVID-19 nói chung với các thông số, dữ liệu có được.
Giảm áp lực lên thị trường lao động
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số giờ làm việc bị mất vì đại dịch trên toàn thế giới vào năm 2020 tương đương với 258 triệu việc làm toàn thời gian và khoảng 125 triệu việc làm vào năm 2021.
Để giảm thiểu tình trạng này, CH Czech từ ngày 10-1 cho phép những nhân viên các ngành nghề quan trọng như y tế và giáo dục đi làm ngay cả khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Bỉ cũng đều đã cắt giảm thời gian cách ly và nới lỏng một số điều kiện để nhân viên bị nhiễm COVID-19 trở lại làm việc. Chẳng hạn, Pháp và Thụy Sĩ chỉ còn yêu cầu người nhiễm COVID-19 phải cách ly bảy ngày thay vì 10 ngày như trước.
Tây Ban Nha cũng liên tục báo động về tình trạng thiếu nhân lực ở hầu hết các lĩnh vực. Công đoàn cảnh sát quốc gia cho biết nhiều sĩ quan phải làm việc theo ca kép vì nhiều đồng nghiệp đang bị cách ly. Tổng công ty đường sắt nước này cũng cho biết số tài xế nghỉ vì COVID-19 năm nay tăng gấp đôi so với đầu tháng 12 năm ngoái và họ đã phải hủy khoảng 40 chuyến tàu trong tuần qua. Chính quyền nước này hiện đã thông qua quy định cho phép người lao động trở lại làm việc mà không cần xét nghiệm.
Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng đặt ra ngưỡng tải lượng virus được xem là không có rủi ro lây cho người khác. Nếu lượng virus ở dưới mức này, người nhiễm có thể quay lại làm việc.•
Hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong thời gian tới
Ngày 11-1, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge nhận định biến thể Omicron đang và sẽ còn càn quét toàn khu vực, theo tờ The Guardian.
Tính đến ngày 10-1, có 26 quốc gia châu Âu cứ mỗi tuần ghi nhận hơn 1% dân số nhiễm biến thể Omicron. Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của năm 2022, châu Âu ghi nhận hơn 7 triệu ca nhiễm Omicron mới, tăng hơn gấp đôi so với hai tuần trước đó. Theo tốc độ lây lan hiện nay, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) dự báo hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới.
Bà Catherine Smallwood, chuyên viên cấp cao của WHO phụ trách các tình huống dịch bệnh khẩn cấp, cảnh báo rằng mọi người đừng vội chủ quan với COVID-19. Theo bà, hiện vẫn còn rất nhiều thông tin chưa được làm rõ và virus vẫn đang lây lan rất nhanh, gây ra những thách thức mới. Do đó, đây chắc chắn chưa phải lúc để xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.