Nhắn tin báo người thân gặp nạn, bẫy lừa mới cần cảnh giác
Theo một số người dân, thời gian gần đây, các đối tượng bất chính đã liên lạc với nhiều người dựng lên chuyện người thân gặp nạn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều người vì bấn loạn đã dính bẫy lừa.
Bà N.T.N.L, ngụ xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết bà vừa nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ tên B.Yến. Người này tự xưng là quản lý phân xưởng nơi cháu nội của bà L đang làm việc ở tỉnh Bình Dương; đồng thời thông báo cháu bà gặp tai nạn trong quá trình làm việc, bàn tay trái đã dập nát và có khả năng phải cưa tay, hiện đang cấp cứu tại một bệnh viện ở Bình Dương.
"Người tên Yến yêu cầu tôi chuyển 5 triệu đồng để ứng trước viện phí sau đó phải chuyển thêm 70 triệu để làm hồ sơ phẫu thuật gấp, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cháu tôi. Tôi có gọi điện cho cháu tôi nhưng không ai bắt máy nên tôi càng tin tưởng chuyện cháu bị tai nạn là thật. Do quá lo lắng nên tôi đã chuyển tiền vào số tài khoản của người này yêu cầu”, bà L kể.
Sau khi bà L chuyển xong năm 5 triệu đồng đầu tiên thì cháu bà liên hệ lại. Lúc này, bà L mới biết mình bị lừa. Sau đó, Yến tiếp tục gọi điện, nhắn tin để yêu cầu bà L chuyển tiếp 70 triệu đồng. Khi biết chiêu trò lừa đảo bị phát giác, Yến đã chặn liên hệ bà L.
Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý thương con của các bậc phụ huynh, từ đó dễ dàng lấy được lòng tin và chiếm đoạt tài sản. Số phụ huynh trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này ngày càng nhiều, có người bị lừa đến hàng trăm triệu đồng.
Ngày 8-3-2023, chị T.V, ngụ huyện Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự nhận là thầy giáo bộ môn của con trai chị. Người này thông báo con trai của chị V bị té trong giờ ra chơi khi đang vui đùa cùng bạn, tình trạng rất nguy hiểm vì bị gãy tay, bể đầu và có dấu hiệu xuất huyết não, hiện đang cấp cứu tại trung tâm y tế huyện.
Chị V nói: “Người này nói với tôi phải chuyển gấp 10 triệu đồng để làm thủ tục chuyển viện cho con tôi lên tuyến trên. Vì có đọc được thông tin trò lừa đảo này trên mạng trước đó nên tôi gọi điện cho nhà trường để xác minh. Cô giáo chủ nhiệm của con tôi nói rằng con tôi vẫn bình thường và đang ngồi học ở lớp”.
Có trường hợp lừa đảo không thành công, các đối tượng quay sang đe dọa nạn nhân. Chị L.T.T, ngụ TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết chị nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ thông báo con trai chị cấp cứu tại Bệnh viện Bình An vì bị bể đầu vào giờ ra chơi, tình trạng nguy kịch cần phẫu thuật gấp. Người nhắn tin giới thiệu là cô giáo dạy Tiếng Anh của con trai chị T.
“Sau khi nhắn tin thông báo, người đó còn gọi điện để tôi nói chuyện trực tiếp với một người khác tự xưng là bác sĩ của Bệnh viện Bình An. Lúc đó, con trai tôi đang ngồi bên cạnh tôi. Tôi rất tức giận vì tính mạng của con bị đem ra làm trò lừa đảo nên có lời qua tiếng lại với người này. Sau khi bị tôi phát hiện, người này đã nhục mạ tôi và còn đe dọa gặp đâu đánh đó”, chị T kể.
Khi nhận được những cuộc gọi có nội dung như trên, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh, xác minh thông tin thật kỹ từ nhà trường, bệnh viện nhằm tránh rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần lưu lại bằng chứng và báo cơ quan chức năng để được hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI