Nhắn tin đe dọa người khác, khi nào bị xử lý hình sự?
Trước thông tin gần đây cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ án đe dọa giết người, tiến hành bắt giữ 2 người về hành vi nhắn tin đe dọa giết chủ tịch tỉnh, nhiều bạn đọc thắc mắc về hành vi nhắn tin đe dọa người khác có thể cấu thành những tội danh nào, và ở mức độ nào thì chỉ bị xử lý hành chính, khi nào thì bị xử lý hình sự?
Về vấn đề trên, Luật sư Vũ Tiến Vinh (Hà Nội) phân tích: Tin nhắn bị coi là đe dọa giết người khi nội dung thể hiện việc sẽ tước đoạt tính mạng của người nhận tin hoặc người thân thích của họ. Nội dung tin nhắn có thể không đề cập đến cách thức sẽ giết người như thế nào hoặc được mô tả cụ thể như sẽ đốt nhà, gây tai nạn giao thông, bắn, đâm… song làm người bị đe dọa lo sợ rằng việc này sẽ được thực hiện.
Việc nhắn tin mang tính đe dọa giết người kết hợp cùng các hành động khác nhằm làm nạn nhân biết việc này có thể xảy thì người nhắn tin sẽ bị khép vào tội “Đe dọa giết người”, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự. Nếu có hành vi đe dọa giết người nhưng người bị đe dọa chưa thực sự lo lắng hậu quả sẽ xảy ra thì không cấu thành tội phạm này.
Tính chất và tội danh của tội “Đe dọa giết người” hoàn toàn khác với tội “Khủng bố”. Về tội “khủng bố”, mục đích của kẻ phạm tội là nhằm chống chính quyền nhân dân nên có hành vi xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân.
Tội “Khủng bố” và tội “Đe dọa giết người” khác nhau hoàn toàn về khách thể (đối tượng) bị xâm hại. Khách thể của tội “khủng bố” là sự vững mạnh, an toàn của chính quyền nhân dân. Thông qua việc xâm hại tính mạng cán bộ, công chức, người dân, kẻ phạm tội hướng tới làm suy yếu chính quyền nhân dân. Tội “Khủng bố” có mức hình phạt cao nhất đến tử hình, còn tội “Đe dọa giết người”, hình phạt tối đa là 7 năm tù.
Nếu đối tượng bị nhắn tin đe dọa là lãnh đạo, cán bộ nhà nước thì người phạm tội sẽ bị xác định có tình tiết tăng nặng, theo khoản 2 Điều 103, mức phạt tù từ hai đến bảy năm.
Nếu việc nhắn tin không mang tính đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận tin nhắn phải thực hiện các yêu sách thì hành vi này không phạm tội hình sự nhưng bị xử phạt hành chính. Theo điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP, người nào lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện một trong các hành vi “đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Khi bị nhắn tin đe dọa, người nhận tin nhắn cần làm đơn tố cáo hành vi vi phạm của kẻ đe dọa tới cơ quan điều tra công an quận, huyện kèm theo các tài liệu liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Căn cứ vào kết quả điều tra, tùy theo mức độ hành vi nhắn tin “khủng bố” tinh thần đó sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự về một tội danh tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự.