Nhân tố quan trọng xây dựng nhà nước liêm khiết, phục vụ Nhân dân

Nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội là điều kiện cần để đưa cuộc sống vào các chính sách công; mặt khác, cũng chính nhân dân là người tiếp nhận chính sách vào cuộc sống, là hàn thử biểu đánh giá chính sách thông qua pháp luật - phương tiện thể hiện của chính sách. Tin rằng, quyết tâm đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV ngay từ đầu nhiệm kỳ, coi trọng mở rộng và tăng cường sự tham gia, giám sát của nhân dân đối với hoạt động quản lý nhà nước sẽ là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, liêm khiết, phục vụ nhân dân.

Khẳng định quyền lực Nhân dân

Nhà nước ta từ khi ra đời đã khẳng định là một nhà nước dân chủ, cộng hòa với mục tiêu chính trị cao cả ghi trong Hiến pháp năm 1946: "... Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền ", "đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến thiết tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”.

Tăng cường kiểm tra, sâu sát thực tế cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân

Tăng cường kiểm tra, sâu sát thực tế cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân

Quan điểm và mục tiêu tất cả vì lợi ích của nhân dân, phát huy dân chủ, mở rộng sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước luôn được Đảng, Nhà nước ta thể chế hóa bằng đường lối, chính sách theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Lịch sử thể chế dân chủ ở nước ta từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến nay không ngừng được cải cách, xây dựng hoàn thiện, kế thừa và giữ vững bản chất của nhà nước pháp quyền XHCN, hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân. Theo hiến định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằngdân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước”.So với các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp 2013 là bước phát triển mới các giá trị cốt lõi của nền dân chủ, khẳng định sự tham gia của nhân dân vào công việc quản lý nhà nước và xã hội không chỉ bằng hình thức dân chủ đại diện mà trước tiên là bằng hình thức dân chủ trực tiếp, chủ thể của quyền lập hiến. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Tinh thần của Hiến pháp 2013 được thể chế hóa sâu rộng bằng việc sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều bộ luật như: Luật Tiếp công dân, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ Luật lao động, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Cùng với các văn bản pháp luật quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ở nơi làm việc; trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, đã quy định cụ thể điều kiện, hình thức, phương thức để nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước bằng hình thức dân chủ đại diện, hoặc quyết định trực tiếp các vấn đề ở cơ sở hay ở tầm quốc gia theo quy định của pháp luật.

Đưa cuộc sống vào chính sách

Nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hộilà điều kiện cần để đưa cuộc sống vào các chính sách công; mặt khác, cũng chính nhân dân là người tiếp nhận chính sách vào cuộc sống, là hàn thử biểu đánh giá chính sách thông qua pháp luật - phương tiện thể hiện của chính sách. Chính vì vậy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế chính sách là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định tại Đại hội XIII, là khâu đột phá trọng tâm, ưu tiên hàng đầu cho cả giai đoạn 2021 - 2030.Trong đó, mở rộng và tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, làm nền tảng cho các quyết sách sẽ góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Cuộc sống mà không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật khó lòng đi vào cuộc sống. Thể chế và hiệu lực của thể chế quyết định đối với sự phát triển, trong đó, vai trò của thể chế phụ thuộc lớn vào chất lượng của hệ thống pháp luật. Đồng thời, nhiều lần nhấn mạnh các dự án luật trình Quốc hội sắp tới phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng trên tinh thần chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, vào cuộc từ sớm, từ xa. Các đạo luật phải phản ánh được thực tế cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.

Để đạt được mục tiêu đó và làm cho các chính sách công mang đậm ý chí của nhân dân cần các giải pháp đồng bộ và sự tham gia tích cực của dân chúng, những “người không quan trọng” nhưng “biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Hiện nay, cơ chế nhân dân tham gia quản lý nhà nước đã được pháp luật quy định.

Tuy vậy, các phương thức, hình thức để người dân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, vào công việc quản lý của Nhà nước nhiều nơi vẫn còn cứng nhắc, chưa sát thực tế, có mặt kém hiệu quả. Một số dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật chưa được tổ chức lấy ý kiến đúng quy định, thậm chí, có dự thảo Luật lấy ý kiến trong thời gian rất ngắn. Văn bản quy phạm hoặc có yếu tố quy phạm pháp luật do HĐND, UBND địa phương ban hành vẫn còn tình trạng chưa đúng trình tự pháp luật. Công tác thẩm tra báo cáo, đề án trình kỳ họp HĐND một số nơi vẫn còn hình thức. Tình trạng "hành chính hóa", "công chức hóa", tính phản biện xã hội thấp của các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị chậm được khắc phục. Ngoài ra, các hình thức tham vấn khác thông qua báo chí, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội... cũng còn nhiều bất cập, hạn chế. Đó là những thách thức lớn đến công tác hoạch định chính sách công thời gian tới.

Để chính sách “đi đúng đường lối quần chúng”

Sinh thời, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “phải gom góp ý kiến quần chúng”, "Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm. Như thế hơi phiền một chút, phiền cho những người biếng học hỏi và giải thích. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công”. Người coi đó là nguyên tắc làm việc, nguyên tắc lãnh đạo, là cơ sở thực tiễn để chính sách “đi đúng đường lối quần chúng”.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định nhân dân là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ ý nguyện, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp phản ánh, góp ý, tham gia vào quá trình xây dựng chính sách; thực sự “Pháp luật là phép của dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”.

Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã đặt yêu cầu cải tiến quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành pháp luật. Cải tiến căn bản cách thức lấy ý kiến nhân dân vào các dự án luật, phải có gợi ý vấn đề cụ thể, không chỉ đăng tải công khai dự thảo mà phải đa dạng hóa cách thức, hình thức, thời gian, nội dung, tận dụng tối đa phương tiện thông tin, truyền thông, công nghệ thông tin, mạng xã hội và các diễn đàn khoa học… để lấy ý kiến, tiếp nhận góp ý, phản biện của nhân dân.

Tin rằng, quyết tâm đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV từ đầu nhiệm kỳ, coi trọng mở rộng và tăng cường sự tham gia, giám sát của nhân dân đối với hoạt động quản lý nhà nước sẽ là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, liêm khiết, phục vụ nhân dân.

ThS.Nguyễn Vân Hậu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhan-to-quan-trong-xay-dung-nha-nuoc-liem-khiet-phuc-vu-nhan-dan-jxxuzhxlvz-68036