Nhận tội thay con có bị xử lý hình sự không?
Cụ ông 83 tuổi đầu thú và nhận tội giết người. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, CQĐT khẳng định con gái cụ mới là nghi phạm. Vậy việc nhận tội thay con gái của cụ ông có vi phạm pháp luật hay không?
Sáng 28/6, thông tin từ Cơ quan CSĐT CA tỉnh Long An cho biết, đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ cùng đối tượng Nguyễn Thị Hồng (46 tuổi, ngụ ấp 5, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) từ CA huyện bàn giao để thụ lý theo thẩm quyền về hành vi giết người.
2 ngày trước, ông Nguyễn Văn Khỉ (83 tuổi, ngụ xã Hiệp Thạnh, cha đối tượng Hồng) đến CA huyện đầu thú, tự nhận tội là vì bênh con ruột nên đánh chết con rể là ông Nguyễn Văn Đầy (54 tuổi, ngụ ấp 5, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành).
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, lời khai của ông Khỉ có nhiều tình tiết mâu thuẫn. Qua đấu tranh, cuối cùng ông Khỉ thừa nhận không phải là người ra tay đánh chết con rể mà vì thương con gái còn trẻ nên nhận tội thay. Qua làm việc, nghi phạm Nguyễn Thị Hồng khai nhận: Do xảy ra mâu thuẫn với chồng là Nguyễn Văn Đầy nên xảy ra xô xát. Bực tức, Hồng cầm cây búa đánh chết chồng. Hiện tại ông Khỉ đã được CA cho về nhà, còn Hồng đang bị CA tạm giữ hình sự để tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ. Vấn đề đặt ra, liệu bố nghi can đi đầu thú nhận tội thay con có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Mai - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của ông bố trong vụ án trên đã xâm phạm khách thể là các hoạt động tư pháp quy định tại chương XXII - Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Tại điều 292 có nêu khái niệm: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của CQĐT, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Tuy nhiên, theo luật sư Mai, hành vi của ông bố đến trụ sở CA đầu thú mặc dù có dấu hiệu khách quan là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp nhưng có lẽ không có mục đích làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ở góc độ tình cảm ruột thịt, cha con, chắc bố vì quá thương con mà có hành vi lên CQCA đầu thú, mong được chịu tội thay và gánh đỡ cho con sự trừng phạt của pháp luật. Như vậy, mục đích của người bố đã thể hiện rõ ràng là vì tình cảm, còn mục đích có phải cố ý xâm phạm hoạt động của các cơ quan tố tụng hay không còn cần phải được CQĐT làm rõ bằng việc lấy lời khai bằng văn bản.
Ở góc độ văn bản pháp luật, việc lên đầu thú khi cơ quan chức năng chưa vào cuộc nên khó có thể khẳng định hành vi lên đầu thú là mục đích xâm phạm hoạt động tư pháp đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng. Còn theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, căn cứ theo khoản 1 Điều 313 tội che giấu tội phạm, ông bố nhận tội thay cho con trong vụ việc trên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi Che giấu tội phạm hoặc tội không tố giác tội phạm.
Việc ông bố lên đầu thú rõ ràng vì là mong muốn nhận tội thay con, mong con không bị sự trừng phạt pháp luật. Luật sư Hùng cho rằng việc ông bố vì quá thương con mà có hành vi đầu thú nhận tội, là hành vi mang tính bột phát, thiếu hiểu biết đầy đủ về pháp luật và cũng đáng trách. Tuy nhiên, xét về mục đích, thời điểm và các quy định pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng không nên xem xét trách nhiệm hình sự của ông bố trong vụ việc này.
Trong trường hợp ông bố một mặt lên đầu thú nhằm kéo dài thời gian tạo điều kiện cho con bỏ trốn khỏi địa phương, một mặt chuẩn bị các điều kiện vật chất khác để cho con tẩu thoát để tránh sự trừng phạt pháp luật khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra thì việc xem xét trách nhiệm hình sự với ông bố là hợp lý - theo luật sư Hùng.