'Nhân vật' đi tìm nhà văn để... cảm ơn

Sau 40 năm 'nhân vật' trong tiểu thuyết 'Cao điểm cuối cùng' đã đi tìm nhà văn Hữu Mai để cảm ơn.

Bìa cuốn tiểu thuyết "Cao điểm cuối cùng" của nhà văn Hữu Mai

Bìa cuốn tiểu thuyết "Cao điểm cuối cùng" của nhà văn Hữu Mai

Hữu Mai là nhà văn trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng có nhiều sáng tác về trận đánh này, trong đó, tiểu thuyết "Cao điểm cuối cùng" (xuất bản năm 1961) được xem là cuốn tiểu thuyết bề thế và hấp dẫn nhất về cuộc chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Trong cuốn tiểu thuyết này, Hữu Mai tận dụng khả năng hư cấu của một nhà văn, từ nguyên mẫu có thực ngoài đời là Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi (sau là Thiếu tướng Dũng Chi), ông xây dựng nên nhân vật Quế Vinh với một số tình tiết "bảy thực ba hư". Đó là một nhân vật có thành phần xuất thân là tiểu tư sản, chiến đấu rất dũng cảm nhưng có lúc lại tỏ ra dao động, nhụt ý chí. Chính vì vậy, khi cuốn sách được in ra, nhà văn e ngại, luôn tìm cách tránh mặt Dũng Chi.

Phải đến năm 1994, trong một buổi giao lưu các nhân chứng lịch sử trong quân đội, “nhân vật Quế Vinh” mới có dịp gặp nhà văn Hữu Mai - “cha đẻ” của mình.

Hôm đó, sau khi Hữu Mai kể về quá trình viết tiểu thuyết "Cao điểm cuối cùng" thì bất ngờ cô dẫn chương trình hỏi nhà văn: “Thế hôm nay bác có muốn gặp nhân vật của bác không, có muốn gặp anh Dũng Chi không ạ?”.

Lúc đó, nhà văn chậm rãi tâm sự: “40 năm nay tôi chưa gặp lại vì tôi sợ ông ấy giận, bởi vì không bao giờ tôi muốn làm những gì phật lòng những nhân vật của tôi. Những người tôi chọn đều là những nhân vật tốt rồi, tiêu biểu tôi mới viết, mình muốn chọn những gì nó là tiêu biểu của cuộc chiến tranh, viết những gì nó khác, khác với những gì người ta biết ngoài đời”.

Nhà văn vừa dứt lời thì bất ngờ Thiếu tướng Dũng Chi từ dưới hàng ghế ngồi đi lên và nói: “Tôi chính là Quế Vinh ở trong Cao điểm cuối cùng và trong đó nhà văn Hữu Mai miêu tả tôi đúng từ hành động, việc làm, đến con người, tính cách, cách đi đứng, cách nói. Đúng là của tôi! Ở trong này thì nhà văn Hữu Mai có hư cấu thêm một số chi tiết nhưng không nhiều. Nhưng mà tôi nghĩ đây là những chi tiết cần thiết để nói lên cái bản chất của một anh cán bộ tiểu tư sản. Có anh cán bộ tiểu tư sản nào trong những lúc chiến đấu ác liệt như thế lại không có những phút dao động?”.

Ngừng một chút, “nhân vật Quế Vinh” tâm sự tiếp: “Tôi đến đây là để cảm ơn nhà văn vì đã ghi lại chân thực cuộc chiến đấu anh dũng, vẻ vang của những người lính Điện Biên Phủ chúng ta. Mỗi người đều có cái nét riêng thể hiện nhân cách của mình dù dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng cuối cùng ta vẫn là những con người tốt, anh dũng chiến thắng bất cứ kẻ thù nào. Nhà văn Hữu Mai có hư cấu đôi chút trong tác phẩm của mình. Nhưng không sao!".

Khi nghe được điều ấy, nhà văn Hữu Mai thấy “nhẹ cả người”. Không những ông trút được nỗi băn khoăn vẫn đeo đẳng, mà còn được người lính Điện Biên năm xưa “cảm ơn”… sau 40 năm.

TRẦN VĂN LỢI (st)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhan-vat-di-tim-nha-van-de-cam-on-375736.html