Nhân vật đối lập Belarus muốn Mỹ mạnh tay hạ bệ ông Lukashenko
Lãnh đạo phe đối lập Belarus bà Svetlana Tikhanovskaya nói rằng các chính phủ nước ngoài cần hợp tác để hạ bệ Tổng thống Alexander Lukashenko.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Atlantic (tổ chức phi đảng phái vêg sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, trụ sở tại thủ đô Washington D.C.) hôm 7-12, lãnh đạo phe đối lập Belarus – bà Svetlana Tikhanovskaya nói rằng các chính phủ nước ngoài cần hợp tác để hạ bệ Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus.
Mong Mỹ hành động quyết liệt, khẩn trương để hỗ trợ Belarus
Theo đài RT, trong phiên thảo luận kéo dài 30 phút do nhóm vận động hành lang ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức, bà Tikhanovskaya nói rằng cần có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và nói với người Mỹ rằng “xin hãy ở lại với chúng tôi và chúng tôi sẽ chiến thắng”.
Bà Tikhanovskaya, tuyên bố mình là người chiến thắng thật sự trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở Belarus hồi tháng 8, còn thúc giục quốc hội Mỹ thông qua gói trừng phạt sâu rộng mới nhằm vào các quan chức Belarus.
Các nghị sĩ Mỹ đang xem xét Đạo luật Dân chủ, Nhân quyền và Chủ quyền của Belarus. Đạo luật này sẽ trao cho tổng thống Mỹ quyền thực hiện các biện pháp không chỉ nhằm vào quan chức ở Minsk mà còn cả người Nga bị coi là ủng hộ chính phủ Belerus trong cuộc trấn áp biểu tình kể từ khi tình trạng bất ổn xảy ra tại Belarus.
“Chúng tôi hy vọng dự thảo luật này sẽ thành luật càng sớm càng tốt vì nó sẽ truyền cảm hứng cho Mỹ để hành động một cách quyết liệt và khẩn trương để hỗ trợ Belarus” – bà Tikhanovskaya nói.
Bà Tikhanovskaya nói thêm nếu được như vậy thì điều này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tại Belarus lẫn phần còn lại của thế giới rằng tính hợp pháp của ông Lukashenko không được công nhận.
Nhân vật đối lập Belarus cũng cho rằng điều này sẽ mở đường cho các quốc gia như Mỹ giám sát bầu cử tại quốc gia Đông Âu này.
Belarus chìm trong biểu tình kể từ khi đương kim Tổng thống Lukashenko thông báo ông chiến thắng cuộc bầu cử hồi tháng 8 với hơn 80% phiếu bầu. Ông Lukashenko đã nắm quyền 26 năm. Phe đối lập và nhiều tổ chức quốc tế cáo buộc cuộc bầu cử được dàn dựng để có lợi cho ông Lukashenko.
Kể từ đó, hàng chục ngàn người trên các thành phố ở Belarus đã xuống đường biểu tình, yêu cầu ông Lukashenko từ chức và tổ chức một cuộc bầu cử mới. Những người biểu tình đối mặt với sự đáp trả bạo lực từ nhà chức trách.
Sau cuộc bầu cử, bà Tikhanovskaya đã bay sang Lithuania. Trước đó, bà tiết lộ bà đang làm việc với các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm đưa lực lượng cảnh sát chống bạo động ở Belarus (OMON) vào danh sách khủng bố.
Điều đó đồng nghĩa những người này có thể bị cấm ra nước ngoài hoặc gửi tiền ra nước ngoài trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU).
Tháng 11, ông Lukashenko tìm cách dập tắt biểu tình bằng thông báo ông sẽ từ chức tổng thống. Tuy nhiên, ông khẳng định ông sẽ phát triển và phê chuẩn hiến pháp quốc gia mới trước khi từ chức. Ông Lukashenko cho rằng việc chuyển giao quá trình này cho một người kế nhiệm vô danh sẽ là thảm họa.
Đáp lại, bà Tikhanovskaya cho rằng động thái này là sự gian xảo.
“Tôi không nghĩ ông Lukashenko sẽ tự nguyện từ chức. Khi nói về hiến pháp mới, ông Lukashenko nỗ lực câu thời gian cho mình để biện minh cho việc ông nắm quyền quá lâu. Mọi lời hứa của ông ấy đều giả dối. Những lời ngụy biện nhằm đánh lừa phương Tây” – bà Tikhanovskaya nói.
Cuối tháng 11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tận dụng cuộc gặp ở Minsk để kêu gọi một giải pháp cho tình hình và thúc ép ông Lukashenko cần cải cách hiến pháp. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đây từng ủng hộ lịch trình được đề xuất cho sự từ chức của ông Lukashenko.
Tại bài phát biểu trước Hội đồng Atlantic, bà Tikhanovskaya đã xóa bỏ vai trò của Nga trong việc giải quyết tình hình. “Điều duy nhất chúng tôi yêu cầu ở Moscow là ngừng ủng hộ ông Lukashenko” – bà nhấn mạnh.
Phe đối lập Belarus chia rẽ?
Bà Maria Kolesnikova, một nhân vật chủ chốt của phong trào đối lập ở Belarus đã đặt ra điều khoản để đàm phán với chính phủ nhằm chấm dứt bất ổn tại nước này. Trong khi đó, bà Svetlana Tikhanovskaya đang đến phương Tây tìm kiếm sự ủng hộ của nước ngoài. Có sự chia rẽ ở đây chăng?
Bà Maria Kolesnikova nổi lên với tư cách là thành viên của chiến dịch chính trị toàn nữ vốn tổ chức các cuộc biểu tình chống Tổng thống Lukashenko trong mùa hè qua. Bà Kolesnikova đã bị bắt giam.
Trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel (Đức) sau song sắt hồi đầu tháng 12, bà Kolesnikova cho biết bà nhìn thấy tiềm năng trong việc đối thoại với chính phủ về việc chuyển giao quyền lực, miễn là quyền của người biểu tình được tôn trọng.
Tuy vậy, bà Kolesnikova nói thêm: “Trong khi chúng tôi bị bắt làm con tin trong tù, đối thoại là vô nghĩa. Giới lãnh đạo Belarus trước hết phải thỏa mãn những yêu cầu cơ bản của chúng tôi: phóng thích tù nhân chính trị và bắt đầu điều tra tội ác chống lại người dân”.
Bà Kolesnikova cho rằng những đề xuất hiện tại về việc thông qua hiến pháp mới ở Belarus sẽ không chấm dứt tình trạng bất ổn tại nước này.
“Những gì giới lãnh đạo đang cố gắng khởi xướng là không đáng tin cậy. Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm lừa dối người dân và đánh lừa họ” – bà nói.
Bà Kolesnikova trước đây từng điều hành các chiến dịch vận động tranh cử của cựu ứng viên tổng thống Belarus – ông Viktor Babariko. Tuy nhiên, ông Babariko đã bị cấm tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và bị lực lượng mật vụ Belarus KGB buộc tội tham nhũng, nhận hối lộ.
Bà Kolesnikova là đối tác tranh cử của ứng viên tổng thống đối lập Tikhanovskaya (cựu giáo viên tiếng Anh 38 tuổi).
Ở chiều ngược lại, bà Tikhanovskaya bắt đầu chuyến công du sang các nước EU, gặp gỡ các lãnh đạo chẳng hạn như Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tháng trước, sau cuộc họp với Ngoại trưởng Hà Lan, bà Tikhanovskaya thông báo sẽ làm việc để EU đưa lực lượng cảnh sát chống bạo động Belarus vào danh sách khủng bố.
Bà Tikhanovskaya tiếp tục kêu gọi các biện pháp trừng phạt và can thiệp từ bên ngoài. Và động thái mới đây nhất là tại sự kiện của Hội đồng Atlantic của NATO, bà kêu gọi các lãnh đạo thế giới tập trung vào cuộc khủng hoảng tại Belarus.