Nhân vật văn học - sắc màu mới trong âm nhạc trẻ

Nhân vật văn học trong văn chương Việt vẫn còn xa lạ với đời sống của giới trẻ. Và những sáng tác nhạc trẻ thời gian qua dường như đã làm nó xích lại gần hơn thông qua những ca khúc, MV thú vị.

Một cảnh trong MV Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh.

Một cảnh trong MV Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh.

Một MV kết nối nhiều nhân vật văn học

Ra đời đúng vào dịp thi đại học, MV “Để Mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh đã nhanh chóng trở nên “nóng hổi” trên thị trường âm nhạc. Chuyện nhân vật văn học đi vào âm nhạc không phải là chưa bao giờ có, nhưng cách làm đầy mới mẻ, hiện đại và thú vị của Hoàng Thùy Linh gây nhiều bất ngờ cho khán giả.

Nhiều khán giả trẻ đùa, Hoàng Thùy Linh đang làm một “bài ôn tập môn văn” cho các sĩ tử trước khi bước vào kì thi quan trọng nhất cuộc đời. Trong MV “Để Mị nói cho mà nghe”, Hoàng Thùy Linh đã kết nối rất nhiều nhân vật văn học nổi tiếng vào trong một cốt truyện lý thú, nhiều ẩn ý, mà nhân vật trung tâm là nàng Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.

Mị là một nhân vật văn học quá nổi tiếng và không ít thơ, ca, điện ảnh khai thác hình ảnh nàng. Nhưng với MV mới của Hoàng Thùy Linh, Mị hiện lên với một diện mạo hoàn toàn mới: một nàng Mị không âu sầu, tuyệt vọng, chỉ đến khi giải cứu cho A Phủ mới giải thoát cuộc đời mình khỏi xiềng xích nhà thống lý Pá Tra.

Mị trong “Để Mị nói cho mà nghe” căng tràn sức sống, nàng mặc lên mình chiếc váy đẹp nhất, nàng tự mình rời khỏi ngục tù giam hãm mình, tung tăng nơi đất trời Tây Bắc, ngắm hoa ban nở, nhảy múa trong tiếng khèn của trai bản. Nhưng không chỉ có thế, trong chuyến hành trình của mình, Mị cuốn theo bao nhiêu là nhân vật văn học khác.

Nàng xuất hiện kịp lúc, đưa “cậu Vàng” sống lại, cứu lão Hạc khỏi ăn lá ngón tự tử, nàng cứu chị Dậu khỏi tên quan cụ dê xồm, thoát khỏi cái tiền đồ tối đen như mực. Trong chuyến hành trình của mình, Mị còn đưa theo nào Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc đỏ… Những nhân vật văn chương được giải thoát khỏi cuộc đời luẩn quẩn, tối tăm của họ để làm một chuyến đi đầy rộn ràng…

MV được dàn dựng công phu, tái dựng sống động những cảnh sắc tươi đẹp của núi rừng Tây Bắc, những cảnh tượng làng quê, thành thị Việt xưa. Lời bài hát nên thơ nhưng không kém phần sôi động, những điệu nhảy truyền thống lẫn hiện đại, sự phối hợp rất “nhuyễn” giữa yếu tố cổ điển và “trend” của giới trẻ đã khiến MV của Hoàng Thùy Linh nhanh chóng trở thành “hit”, thành “top trend” nhạc trẻ.

Ẩn ý về sự giải phóng thân phận, giải phóng tâm hồn được cài cắm một cách duyên dáng và khéo léo cũng làm cho MV trở nên sâu sắc hơn. Sau khi xem MV, nhiều khán giả trẻ đã bày tỏ mong muốn “đọc lại tác phẩm Vợ chồng A Phủ một lần nữa” và “thấy yêu hơn văn học Việt Nam”.

Trào lưu ý nghĩa

Trước đó, Vợ chồng A Phủ cũng được một nghệ sĩ rất hot trong giới trẻ - Đen - đưa vào bài hát cùng tên và được giới trẻ yêu thích. Tuy nhiên, bài hát của Đen thuộc thể loại rap, ngôn ngữ dùng quá hiện đại, đôi khi quá lố, nên chưa để lại ấn tượng sâu sắc với đại bộ phận khán giả.

Thời gian trước đây, trong chương trình Sing My Song, một game show truyền hình thực tế về sáng tác và hát nhạc cũng đã xuất hiện nhiều bài hát khai thác văn học và nhận được sự ủng hộ, thích thú từ khán giả.

Đó là Thủy Thần - ca khúc do Bùi Hoàng Nam Đức Anh sáng tác, lấy cảm hứng từ Sơn Tinh Thủy Tinh, với ngôn từ vừa day dứt vừa mạnh mẽ, đầy sáng tạo khiến giới trẻ thích thú. Đó là ca khúc Kiều của Bá Hưng, cảm hứng từ thân phận nàng Kiều trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Hay bài hát Chí Phèo, được Bùi Công Nam sáng tác từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nam Cao.

Trong đó, Thủy Thần và Chí Phèo nhanh chóng trở thành những bài hát phổ biến trong giới trẻ, đồng thời làm dấy lên trào lưu sáng tác mới trong nhạc trẻ. Tuy nhiên, trào lưu này tạm lắng xuống cho đến thời gian mới đây, khi ca khúc của Đen và Hoàng Thùy Linh ra đời. Bản thân Hoàng Thùy Linh, trước đó cũng nhận nhiều khen ngợi với MV Bánh trôi nước, dựa trên tác phẩm và cuộc đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

So với những trào lưu đeo đuổi xu hướng drama hay ngôn tình trong âm nhạc, rõ ràng, sáng tác âm nhạc từ tác phẩm văn học là một xu hướng khó khăn hơn nhiều. Nó đòi hỏi ở người sáng tác không chỉ tài năng âm nhạc mà sự khéo léo lồng ghép, hòa quyện yếu tố cổ điển, quen thuộc trong văn chương với thị hiếu của khán giả trẻ.

Và nỗ lực của những nghệ sĩ nói trên là rất đáng khen. Họ đã chọn con đường sáng tác nghệ thuật không hề dễ dàng. Họ không chỉ đem đến cho thị trường những sản phẩm âm nhạc hay, mà còn khơi gợi lên trong khán giả trẻ niềm hứng khởi, yêu thích đối với văn chương Việt.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/nhan-vat-van-hoc-sac-mau-moi-trong-am-nhac-tre-458873.html