Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng nói về ước vọng đầu Xuân

Năm 2021 qua đi với nhiều biến cố, nhưng cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Các 'Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng' năm qua nói gì về những ước vọng đầu Xuân.

Doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh: "Năm mới 2022 với chữ An”.

Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng năm 2021 nhận được nhiều lượt bình chọn nhất (42.332 lượt) – doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh kỳ vọng một năm mới 2022 với chữ “An”.

Bà Kim Oanh đến thăm, tặng quà các trẻ mô côi ở Trung tâm nhân đạo Quê Hương (tỉnh Bình Dương) dịp Tết Nhâm dần 2022

Bà Kim Oanh đến thăm, tặng quà các trẻ mô côi ở Trung tâm nhân đạo Quê Hương (tỉnh Bình Dương) dịp Tết Nhâm dần 2022

Theo bà Oanh, sự bình an của xã hội, của người dân sau đại dịch sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp có động lực để an tâm phát triển kinh doanh, phục hồi hoạt động sau nhiều tháng bị đình trệ bởi đại dịch tàn khốc.

Năm 2021, với phương châm “không bỏ rơi người lao động”, dù tình hình thị trường khó khăn nhưng cán bộ nhân viên của doanh nghiệp vẫn được giữ nguyên chính sách lương, thưởng.

“Những ngày tháng khi làm ăn được là do có người lao động hỗ trợ. Không lý gì, lúc khó khăn này lại cắt giảm phúc lợi của họ. Chúng tôi chấp nhận trích lợi nhuận những năm trước để bù đắp cho người lao động năm qua”, bà Oanh nói.

Đối với năm 2022, doanh nhân này khẳng định, doanh nghiệp của bà nói riêng và các doanh nghiệp bất động sản khác nói chung không xin tiền, không xin giảm thuế, chỉ cần tháo gỡ các nút thắt trong cơ chế, chính sách của lĩnh vực. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Theo bà, chủ trương của Chính phủ, các địa phương cần tuân thủ và mạnh dạn thực hiện. Tránh tình trạng địa phương không dám quyết, doanh nghiệp phải cầm hồ sơ ra Trung ương để hỏi, xin ý kiến. Mất nhiều thời gian và chi phí phát sinh.

Có thể thấy, tạo môi trường cho doanh nghiệp sẽ đảm bảo người lao động có công ăn việc làm, có thu nhập, giải quyết một lượng lao động trong xã hội. Tiếp đó, doanh nghiệp có lợi nhuận là duy trì đóng góp cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tự có trách nhiệm trích một phần lợi nhuận, chung tay cùng chính quyền chăm lo đời sống xã hội.

Năm 2022, nữ doanh nhân thực hiện mạnh tái cơ cấu đơn vị, có chính sách tài chính cân bằng, ổn định và phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều bất định. Trước đó, bà Oanh và các thành trong gia đình đã đồng ý trích 20% tổng giá trị tài sản để có nguồn ngân sách liên tục phát triển Quỹ từ thiện mang tên bà, tiếp tục đóng góp cho cộng đồng.

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên: "Quan tâm đến trẻ mồ côi không là phong trào thời vụ"

Khi đi giao tro cốt người mất vì Covid-19 hồi tháng 8/2021, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, trợ lý Quân khí, Ban Chỉ huy Quân sự TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TP.HCM, đã nhận đỡ đầu cho các cháu bé mồ côi vì Covid-19.

Nghĩa cử cao đẹp của người lính Cụ Hồ đã được đông đảo bạn đọc báo VietNamNet bình chọn là Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng năm 2021.

Đó là trường hợp bé Phạm Thị Bảo Châu (4 tuổi) bơ vơ không có nơi nương tựa đã được Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên nhận đỡ đầu để chăm lo. Không chỉ thế, khi tìm hiểu về gia đình, tìm kiếm người thân cho bé Châu, anh Kiên còn nhận đỡ đầu tiếp anh và chị của bé đang sống cùng bà ngoại 87 tuổi. Từ đó, thay vì có 2, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên nay có 5 người con từ 4 đến 10 tuổi.

Vợ chồng Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên và 5 người con từ 4 đến 10 tuổi những ngày giáp Tết. Ảnh: NVCC

Vợ chồng Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên và 5 người con từ 4 đến 10 tuổi những ngày giáp Tết. Ảnh: NVCC

Những ngày Tết cận kề, khi được hỏi về những dự định sắp tới, anh Kiên cho biết, hiện 3 cháu đang sống cùng bà ngoại tại căn nhà nhỏ đã xuống cấp ở phường 8, Quận 4, TP.HCM. Hàng tuần, anh mang lương thực gửi cho mấy bà cháu, hằng ngày anh gọi điện hỏi thăm tình hình các cháu.

Anh Kiên cũng bày tỏ việc chăm lo cho các cháu có nhiều khó khăn, đặc biệt là về thời gian do anh vẫn đang làm nhiệm vụ trực tại đơn vị.

“Những lúc rảnh, tôi đều tranh thủ đưa các cháu về nhà mình chơi, để chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Một khó khăn lớn nữa là kinh tế và các mối quan hệ xã hội của tôi. Cuộc sống của bản thân tôi bị đảo lộn hoàn toàn", anh Kiên tâm sự.

Những khi rảnh rỗi, anh Kiên tranh thủ dạy 2 bé Đình Huy, Bảo Ngọc (anh chị của bé Châu) học bài.

Những khi rảnh rỗi, anh Kiên tranh thủ dạy 2 bé Đình Huy, Bảo Ngọc (anh chị của bé Châu) học bài.

Anh Kiên cho biết thêm, mới đây anh phải đưa các bé đi khám bác sĩ do các con bị bệnh, bị ảnh hưởng hậu Covid-19.

Về dự định năm mới anh Kiên chia sẻ: “Năm mới tôi sẽ đưa các cháu đi thắp nhang cho mẹ các cháu ở trên chùa. Sửa lại đường dây điện, sửa lại nhà cho các cháu vì hiện nay đang bị xuống cấp trầm trọng. Nếu có thời gian đưa cả gia đình đi khu vui chơi”.

Anh Kiên cũng bày tỏ sự lo lắng khi việc học của các cháu thời gian qua khá vất vả do các cháu bị mất kiến thức căn bản. Nhất là khi việc học thời gian qua là online. Do đó, tuy trực ở đơn vị nhưng khi rảnh anh đều tranh thủ gọi online dạy thêm cho các bé. Những lúc về nhà thì huy động cả nhà phân công nhiệm vụ để dạy...

Các cháu bé được đi chơi những ngày giáp Tết.

Các cháu bé được đi chơi những ngày giáp Tết.

“Nhiều lúc cảm thấy áp lực lắm. Nhưng khi nghe các cháu chơi đùa vui vẻ, được đồng đội, bạn bè động viên tôi như được tiếp thêm năng lượng... Thời gian tới, khi các con được đến trường, tôi hy vọng các cháu sẽ hòa nhập tốt”, anh Kiên nói và mong muốn việc quan tâm của mọi người, của cộng đồng, xã hội, nhà trường đến các trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do dịch Covid 19 nói riêng không chỉ là phong trào thời vụ, mà phải có một chiến lược giúp đỡ lâu dài.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức: "Có một cái Tết yên vui với bà con, người bệnh'

Năm vừa qua là năm vô cùng khó khăn cho ngành y tế TP.HCM và cả nước. Bệnh viện Chợ Rẫy như là người con của thành phố, chúng tôi cũng đóng góp giúp sức cho bà con vượt qua đại dịch.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức

Bệnh viện đã có nhiều chương trình chăm sóc người bệnh như tổ chức đường hoa, lì xì cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân ung thư. Chúng tôi mong muốn bà con có một cái Tết yên vui.

Đặc biệt, khi đứng giữa đường hoa xuân nhân viên y tế xây dựng, thiết kế cho các bệnh nhân ở lại trong dịp Tết, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chia sẻ nỗi buồn, san sẻ nỗi đau của người bệnh. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người thầy thuốc.

Trong năm 2022, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đáp ứng khám chữa bệnh theo mô hình 2 trong 1, vừa chăm sóc bệnh nhân Covid-19 và điều trị các bệnh thông thường. Chúng tôi sẽ đảm bảo bệnh nhân không bị lây nhiễm và an toàn trong suốt thời gian thăm khám, chữa trị tại bệnh viện.

Đường hoa xuân trong bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Trang tin Thành ủy TP.HCM

Đường hoa xuân trong bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Trang tin Thành ủy TP.HCM

Trong những ngày Tết, người dân rất dễ có tư tưởng chủ quan, nghĩ rằng thành phố đã an toàn tuyệt đối. Tôi mong muốn người dân khi quay lại cuộc sống bình thường, vẫn phải đảm bảo nâng cao cảnh giác và tuyệt đối tuân thủ 5K.

Cá nhân tôi mong muốn thành phố chúng ta được an toàn, mọi người được vui tươi, ai cũng được quay trở lại cuộc sống của mình và có công việc ổn định để có một cái Tết vui tươi hạnh phúc, đón một năm mới bình yên và đáng sống.

Thu Anh - Giao Linh - Trần Chung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nhan-vat-vietnamnet-truyen-cam-hung-noi-ve-uoc-vong-dau-xuan-812035.html